Những kết quả nổi bật
Quảng Nam có đường biên giới dài 157,422 kilomet tiếp giáp với nước bạn Lào, đi qua 2 huyện, 14 xã, 85 thôn;125 kilomet chiều dài bờ biển, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố, 16 xã/phường, 117 thôn/khối phố của tỉnh. Với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, do vậy qua nhiều giai đoạn (2005-2010; 2012 - 2017; 2017-2022) chương trình ký kết giữa Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BCH BĐBP) được duy trì và phát huy hiệu quả; theo đó, 8 Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố cùng với 22 cơ sở Hội LHPN tuyến biên giới, ven biển đã ký kết với 11 đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn. Đặc biệt năm 2018, Hội LHPN và BCH BĐBP tỉnh đã tổ chức ký kết Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 và triển khai kế hoạch năm 2018, 2019; Tổ chức Lễ phát động nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do TW Hội phát động.
Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo và bảo vệ Tổ quốc; các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hàng đầu cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, HVPN. Hằng năm, các cấp Hội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hàng trăm cuộc sinh hoạt chuyên đề và thông tin thời sự cho trên 323.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, để các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và HVPN nhận thức đúng đắn và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực an ninh quốc phòng; nâng cao ý thức tham gia xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đấu tranh tố giác, phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, chia rẽ nội bộ nhân dân, chống phá Đảng, Nhà nước ta; tăng cường trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, phát triển. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên đăng tải gương điển hình, người tốt việc tốt, nội dung tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, biên giới, biển đảo, trên cổng thông tin điện tử, bản tin của Hội, ký kết giao ước thi đua hằng năm, chú trọng đến công tác vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ vùng biên giới, vùng ven biển. Đối với địa bàn trọng điểm, các cấp Hội tăng cường hướng dẫn chị em đề cao cảnh giác với những âm mưu của các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền, kích động, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước; phát hiện những vấn đề bất thường kịp thời thông tin, phối hợp xử lý, hạn chế xảy ra điểm nóng. Ngoài ra, nhiều hoạt động được tổ chức thành công, như: Hội thi, tọa đàm, giao lưu, thăm hỏi, tặng quà... tại các đồn biên phòng và nhân dân các xã biên giới, xã đảo và xã ven biển. Tổ chức chuỗi hoạt động thể thao, văn nghệ, tuyên truyền Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam với chủ đề “Ngư dân với biển cả”, “Hát về biển đảo thân yêu”, xây dựng mô hình “Ấm lòng chiến sỹ"... Tổ chức giao lưu, thi tìm hiểu về biển, đảo, Công ước Luật biển năm 1982...
Hội thi “Phụ nữ với hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo” năm 2012
Riêng năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu thuyền trái phép vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc đẩy mạnh hoạt động "Chung sức vì biển đảo quê hương", Hội LHPN tỉnh kịp thời tổ chức thông tin diễn biến tình hình, định hướng công tác tư tưởng, đồng thời vận động cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đóng góp, ủng hộ với số tiền trên 500 triệu đồng, trong đó, ủng hộ Trung ương Hội: 350 triệu đồng, thăm Cảnh sát biển vùng 2: 100 triệu đồng, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh: 50 triệu đồng và tổ chức thăm tặng quà gia đình phụ nữ trong tỉnh có chồng con làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, vươn khơi bám biển. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức chuyến thăm, giao lưu “Gặp gỡ tháng 3”, tặng quà cho chính quyền địa phương, Hội LHPN huyện, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và HVPN nghèo huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi; thăm, chia sẻ động viên cán bộ, chiến sỹ Trạm Cảnh sát biển Lý Sơn, tàu cảnh sát biển 9002 thuộc Hải đội 201 vùng 2, Đồn Biên phòng 328 đang làm nhiệm vụ trên đảo Lý Sơn, tổng kinh phí trên 45 triệu đồng.
Hội LHPN tỉnh thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ Vùng Cảnh sát biển 2 (7/2014)
Năm 2015 và năm 2018, với 03 đợt phát động ra quân, nhất là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 là một hướng đi mới trong triển khai công tác Hội với các hoạt động tổ chức ngày càng thực chất, cụ thể, gắn với nhu cầu thiết thân của hội viên, phụ nữ, đặc biệt chú trọng chiều sâu, chất lượng. Vì vậy, chương trình đã tạo hiệu ứng và lan tỏa sâu rộng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng tham gia của đông đảo CBHVPN, cán bộ chiến sỹ biên phòng và toàn xã hội. Để tập trung nguồn lực, Hội LHPN tỉnh báo cáo, xin chủ trương của Tỉnh ủy, vận động các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ đóng góp gần 2,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động biên giới, biển đảo, hợp tác với Hiệp hội Phụ nữ tỉnh Sê Koong (Lào), xây dựng Quỹ an sinh xã hội vì phụ nữ nghèo, khó khăn. Trong đó, đã hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng xây dựng 23 mái ấm tình thương (30 triệu đồng/nhà năm 2015 và 50 triệu đồng/nhà năm 2018) cho phụ nữ nghèo, chiến sỹ khó khăn về nhà ở; tặng trên 600 xuất quà cho các đơn vị biên phòng, gia đình chính sách, Mẹ VNAH, già làng, trưởng bản, cán bộ Hội phụ nữ qua các thời kỳ, phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; gia đình ngư dân đang làm nhiệm vụ, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và hàng trăm tặng phẩm khác như gạo, quần áo, sách vở, bánh kẹo, đồ dùng học tập, máy vi tính, tủ đông, ti vi và nhiều nhu yếu phẩm khác...
Lễ ra quân hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” năm 2018
tại huyện Tây Giang (ảnh trái) và Nam Giang (ảnh phải)
Song song, với việc phát huy nội lực trong các cấp Hội, HVPN, Hội LHPN tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thành phố Đà Nẵng, tranh thủ các nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng, các mạnh thường quân đồng hành cùng với các huyện có xã biên giới cũng như huyện miền núi khó khăn Tây Giang, Đông Giang, trao quà, phương tiện sinh kế cho HVPN nghèo tại các xã của hai huyện với tổng trị giá trên 350 triệu đồng gồm: phương tiện sinh kế, tặng chăn, màn, áo quần đồng phục học sinh, đồ dùng học tập, xe đạp...
Dịp Xuân Kỷ Hợi - 2019, Hội LHPN tỉnh phối hợp BĐBP tiếp tục hành trình về với vùng biên với nhiều hoạt động được diễn ra như: thăm, chúc Tết, tặng quà cho 325 hộ gia đình chính sách, phụ nữ nghèo, cán bộ chiến sĩ khó khăn của huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, kinh phí trên 176 triệu đồng (500 ngàn/suất); gặp mặt, tọa đàm, chia sẻ cách thức xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh, tọa đàm tham gia xây dựng, bảo vệ vững chắc vùng biên giới cho CBHVPN; ra mắt mô hình hỗ trợ bò sinh sản tại xã Chơ Chun huyện Nam Giang, tại đây trao 10 con bò giống cho 10 hộ phụ nữ nghèo, kinh phí 130 triệu đồng từ nguồn nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh thăm, hỗ trợ 100 suất quà cho 100 hộ phụ nữ nghèo của huyện Phước Sơn, Nam Trà My, kinh phí 50 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ dịp này 356 triệu đồng.
Các hoạt động từ chương trình triển khai đem lại hiệu quả thiết thực, không chỉ bởi số lượng nhà ở, tiền, quà tặng đồng bào mà quan trọng hơn là hướng dẫn, trao đổi cùng cán bộ Hội, HVPN về kỹ năng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, kiến thức chăm lo cuộc sống gia đình, phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vệ sinh môi trường, cách tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống...qua đó, chị em phụ nữ toàn tỉnh, các tỉnh bạn và lực lượng Biên phòng tỉnh đã chuyển tải được sự sẻ chia yêu thương vô bờ bến đến với phụ nữ và trẻ em các xã biên giới đặc biệt khó khăn.
Để cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về tập trung phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh, các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ chị em vừa có việc làm, phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, vừa chăm lo tổ chức tốt cuộc sống gia đình, tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Các cấp Hội đã tín chấp trên 1.700 tỷ đồng, giúp trên 60.000 hộ phụ nữ, trong đó 9000 hộ là đồng bào DTTS vay trên 343 tỷ để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đặc biệt, Hội phát động tiết kiệm gần 78 tỷ đồng trao tặng 458 con trâu, bò và gần 2.000 phương tiện sinh kế khác cho hơn 4.000 lượt hộ phụ nữ nghèo tại các địa phương, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Hoạt động giúp nhau thông qua hình thức kết nghĩa giữa các huyện đồng bằng và các xã khó khăn của huyện miền núi cao, vùng biên giới, những năm qua đã có hơn 59 ngàn lượt chị giúp cho gần 55 ngàn lượt chị khó khăn, trị giá hơn 4,1 tỷ đồng.
Nhằm duy trì và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt-Lào, Hội LHPN tỉnh và Hiệp hội Phụ nữ tỉnh Sê Koong (Lào) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2014-2019; nhiều hoạt động được hai bên đồng thời triển khai và đạt được nhiều kết quả, đã xây dựng 08 ngôi nhà Hữu nghị, kinh phí 470 triệu (50 triệu /nhà), trong đó 01 ngôi nhà cho mẹ Heem - Người có công chăm sóc và nuôi dưỡng quân tình nguyện Việt Nam trong những năm tham gia chiến đấu tại Lào 120 triệu; tặng 40 suất học bỗng cho du học sinh Lào đang theo học tại Quảng Nam với số tiền 40 triệu đồng; phối hợp truyên truyền vận động phụ nữ hai bên bảo vệ đường biên giới, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể nói việc triển khai chương trình phối hợp tuy có khó khăn nhất định, nhưng quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm cùng với sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, đặc biệt là sự cố gắng của các cấp Hội LHPN và lực lượng BĐBP nên chương trình đã đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, ngày càng khẳng định mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, hội viên, phụ nữ với cán bộ, chiến sĩ biên phòng, đã minh chứng chủ trương phối hợp là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ biên giới cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và phát huy vị trí, vai trò của các cấp hội phụ nữ, sự đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo quê hương.
Giải pháp đặt ra
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 1937/CTr-BĐBP-HLHPN ngày 28-11-2017 của Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội LHPN tỉnh Quảng Nam về “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo’’ giai đoạn 2017-2022; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương“ giai đoạn 2018-2020, các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai thực hiện, tập trung vào nội dung sau: (1)Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ mọi mặt cho hội viên phụ nữ, nhất là khu vực biên giới, biển đảo, nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội. (2)Đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội ở cơ sở, chú trọng vận động phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung vận động, hướng dẫn phụ nữ học tập, thực hành tiết kiệm, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. (3)Vận động phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa bàn biên giới, biển đảo, kiên quyết đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc. (4) Phối hợp thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020” chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trọng tâm là đa dạng các hoạt động hỗ trợ/đồng hành phù hợp với nhu cầu của HVPN, hướng đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái vùng biên; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hóa; chú trọng củng cố, phát triển tổ chức Hội xã biên giới khó khăn./.