Xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có chiều hướng gia tăng, đang được xem là vấn nạn của xã hội. Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em, ngoài vi phạm pháp luật, làm băng hoại đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh, bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, trong đó trẻ em gái phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn.
Từ 2013 – 2017, Tòa án nhân dân các cấp cả nước giải quyết 8100 vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Trong 8 tháng đầu năm 2017, có 716 em bị xâm hại tình dục[1]. Trong 6 tháng đầu năm 2018, khởi tố 701 vụ án xâm hại trẻ em, đưa ra xét xử 648vụ/690 bị can tại Tòa án các cấp, trong đó, trẻ em bị người thân trong gia đình xâm hại 21,3%; bị xâm hại tại nhà trường 6,2%; người quen, hàng xóm 59.9%; người lạ 12,6%[2]. Nhiều vụ án được dư luận quan tâm: Vụ án dâm ô bé gái 6 tuổi (bị cáo Nguyễn Khắc Thủy - Vũng Tàu); vụ bé gái 10 tuổi trên mạng xã hội tố cáo cha ruột xâm hại (Long An); vụ bé gái ở trường tiểu học bị kẻ lạ bịt mặt xâm hại trong nhà vệ sinh (Chương Mỹ - Hà Nội)…
Theo thống kê của ngành Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong 3 năm (01/10/2015 – 30/11/2018), Tòa án các cấp tỉnh Quảng Nam thụ lý 55 vụ/56 bị cáo xâm hại trẻ em (hiếp dâm 20 vụ, giao cấu 19 vụ, dâm ô 16 vụ), hầu hết nạn nhân là trẻ em gái, xảy ra tại các địa bàn: Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Điện Bàn, Đại Lộc, Phú Ninh, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, đã xét xử 48 vụ/49 bị cáo về 3 tội danh trên. Nhiều vụ án áp dụng khung hình phạt đặc biệt nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất (20 năm, chung thân) đối với bị cáo nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa loại tội phạm nguy hiểm này. Đơn cử, các vụ án hiếp dâm trẻ em (Núi Thành, Quế Sơn) bị cáo là người thân trong gia đình, dòng họ (cha dượng, chú, bác) nên trẻ em còn nhỏ tuổi không biết mình bị xâm hại tình dục, cho đến khi bị phát hiện. Vụ án hiếp dâm, dâm ô nhiều học sinh tại trường học (Nam Giang, Nam Trà My) là những vụ án phức tạp tại học đường, xảy ra trong một thời gian dài...đã gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân.
Theo các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em: Đối tượng có trình độ văn hóa thấp; bị tác động từ phim ảnh, tài liệu đồi trụy; kết bạn, yêu đương qua mạng xã hội; sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, ma túy); do người thân trong gia đình (cha dượng, chú, bác), người có năng lực hành vi đầy đủ (giáo viên, công nhân lao động)… Mặt khác, trẻ em còn quá nhỏ/không có kiến thức về sức khỏe sinh sản nên dễ bị dụ dỗ; trẻ phát triển về thể chất sớm đồng thuận với hành vi của bị cáo; có trẻ bị xâm hại do chính người thân trong gia đình, dòng họ nên các em không nhận ra hành vi mình bị xâm hại hoặc các em còn quá nhỏ bị dụ dỗ/đe dọa không thể tự bảo vệ bản thân và không giám kể với ai... Ngoài ra, phía gia đình có trẻ em bị xâm hại cũng có phần lỗi như: không quan tâm chăm sóc, theo dõi quá trình phát triển bình thường của trẻ; quản lý lỏng lẻo, dễ dãi để trẻ em đi chơi với người lạ/đi qua đêm hoặc thường xuyên vắng nhà; do đời sống kinh tế khó khăn chỉ chăm lo đi làm/làm ăn xa, gởi con cho ông bà/bà con/hàng xóm…là cơ hội để những đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi xâm hại; và cũng không loại trừ và sự thỏa thuận/che dấu tội phạm do tâm lý e ngại…gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xét xử…
Bất cứ hành vi xâm hại trẻ em bằng bất cứ hình thức nào cũng cần được lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Để phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, trong đó gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quan tâm đến công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ em trong học tập, sinh hoạt. Cha mẹ cần tìm hiểu và trang bị cho con em những kỹ năng tự bảo vệ mình trước người lạ; không nên để trẻ nhỏ ở nhà hay đến chỗ vắng một mình; không cho con tiếp xúc với những người có biểu hiện nhân cách xấu. Khi trẻ bị xâm hại tình dục, cần phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, hợp tác giải quyết tránh để lọt tội phạm; đồng thời, động viên, chia sẻ giúp con ổn định tâm lý. Gia đình phối hợp với nhà trường trang bị cho các em những kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng bảo vệ trẻ em dưới nhiều hình thức. Cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc phòng, chống xâm hại trẻ học đường, thông báo cho nhà trường những vấn đề xảy ra với trẻ để cùng phối hợp giải quyết…
Hưởng ứng năm 2019 với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”, các cấp Hội phụ nữ Quảng Nam thực hiện các hoạt động thiết thực: Tuyên truyền/truyền thông các chính sách, pháp luật có liên quan đến gia đình, phụ nữ, trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức các hoạt động chăm lo, giáo dục trẻ em; hỗ trợ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và các vấn đề cần thiết cho gia đình, trẻ em bị xâm hại; kịp thời lên tiếng, phối hợp với cơ quan chức năng liên quan bảo vệ trẻ em bị xâm hại (kiến nghị, đại diện, giám hộ, cử người bào chữa); giám sát thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em…
Trẻ em là mầm non của đất nước, là niềm tự hào và niềm hy vọng của gia đình. Trong tương lai các em sẽ trưởng thành, trở thành những có người hữu ích cho xã hội. Do vậy, trẻ em phải luôn luôn nhận được sự che chở bảo vệ của người lớn mọi lúc, mọi nơi để trở thành những mầm non mạnh khỏe của một xã hội tươi đẹp.
[1] Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội đăng trên Báo lao động ngày 30/9/2017;
[2] Theo số liệu thống kê được cung cấp tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV