An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vì liên quan trực tiếp đến bữa ăn của từng gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Trong thời gian gần đây, những hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra thường xuyên, gây sự bức xúc trong nhân dân. Chị em nội trợ băn khoăn, lo lắng không biết chọn những thực phẩm gì để đảm bảo sức khỏe. Sự lo lắng này thể hiện trong những câu chuyện hằng ngày, những cuộc họp, sinh hoạt nhóm nhỏ đến các diễn đàn lớn. Ai cũng quan tâm đến việc làm thế nào để bảo vệ gia đình và những người thân trước “cơn lốc thực phẩm bẩn”. Trước thực trạng đó, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã phát huy vai trò, tích cực tham gia công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, gắn việc triển khai công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động Hội thông qua việc triển khai Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch.
Với chủ đề trọng tâm được xác định trong năm 2018 “Phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm” gắn với nội dung trọng tâm thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017 - 2027; các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm tập trung vào Tháng cao điểm An toàn thực phẩm, các dịp Tết Trung thu, tết cổ truyền của dân tộc thông qua các lớp tập huấn, truyền thông, hội thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh với từng nhóm đối tượng cụ thể như nhóm phụ nữ nội trợ, nhóm phụ nữ tham gia trồng trọt; nhóm phụ nữ tham gia chăn nuôi; nhóm phụ nữ tham gia hoạt động sản xuất, chế biến; nhóm phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm... Nhiều địa phương đã chủ động trong việc đổi mới hình thức tuyên truyền. Tiêu biểu có Hội LHPN thành phố Hội An là đơn vị đã tích cực tham gia cuộc thi “Ý tưởng truyền thông an toàn thực phẩm” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đã đoạt giải 3 nội dung ý tưởng thể loại sân khấu hóa với tiểu phẩm “Sản xuất, chế biến, tiêu dùng - Bạn đời chung”; tác phẩm đã được truyền thông rộng rãi tại xã phường trên địa bàn thành phố thu hút được sự tham gia đông đảo chị em hội viên phụ nữ. Hội LHPN huyện Quế Sơn chủ động xây dựng phóng sự về an toàn thực phẩm tại địa phương với những hình ảnh thật, con người thật đầy sinh động phản ánh thực trạng về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm chợ, trong hộ gia đình hội viên phụ nữ. Nhiều địa phương đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như: tọa đàm “Người nội trợ thông thái” thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ, trong đó có các hộ tiểu thương, người buôn bán, người nội trợ, các ngành liên quan như y tế, nông nghiệp, công thương (Quế Sơn); hội thi “Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn” (Tây Giang); Hội thi “Rung chung vàng tìm hiểu kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm” (Điện Bàn)…. Với sự đa dạng các hình thức truyền thông đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của hội viên phụ nữ trong việc thực hành các hành vi sản xuất, chế biến và lựa chọn thực phẩm an toàn.

Tọa đàm “Người nội trợ thông thái” năm 2018 tại huyện Quế Sơn
Đối với cấp tỉnh, trên cơ sở nguồn kinh phí phân bổ thực hiện Đề án 938 năm 2018 được 220 triệu, Hội LHPN tỉnh tổ chức 23 lớp tập huấn/truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm tại cộng đồng; chỉ đạo điểm ra mắt hai mô hình “Tổ Phụ nữ sản xuất, chế biến thủy, hải sản sạch” tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành; mô hình “Phụ nữ sản xuất, cung ứng rau sạch cho các trường học trên địa bàn xã” tại xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước. Phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai Chương trình “Tham quan và học nấu ăn cùng Ajinomoto” tại cơ sở thu hút hơn 1.000 lượt người tham dự, thông qua đó hướng dẫn hội viên phụ nữ cách chế biến, bản quản thực phẩm vệ sinh, an toàn; cách nhận biết và lựa chọn các sản phẩm chính hãng… Ngoài ra, Hội đã chủ động làm việc với các ngành liên quan như Chi cục an toàn thực phẩm tỉnh, Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh tổ chức 20 lớp tuyên truyền pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại cộng đồng.
Không chỉ tập trung vào Tháng cao điểm, các sự kiện, dịp tết; công tác tuyên truyền được các cấp Hội tổ chức thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ chi, tổ Hội, sinh hoạt của các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm do Hội LHPN các cấp thành lập. Có thể nói đây là diễn đàn mà chị em hội viên phụ nữ nói lên được nỗi lo lắng của mình và cũng là kênh thông tin để tổ chức Hội hiểu được tâm tư, nguyện vọng của chị em. Qua đó, xác định nội dung trọng tâm cần thực hiện trong công tác an toàn thực phẩm.
Đặc biệt công tác tuyên truyền vận động thông qua việc thành lập các mô hình đã phát huy được hiệu quả đáng kể. Nhiều địa phương đã chú trọng đến việc xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến sạch; có những mô hình được thành lập với quy mô, phạm vi nhỏ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình như “Vườn rau sạch cho con” do Hội LHPN huyện Duy Xuyên phát động thực hiện; mô hình “mỗi nhà một vườn rau” tại huyện Hiệp Đức; hay những mô hình có quy mô lớn hơn, thu hút được nhiều người sản xuất cùng tham gia, các sản phẩm làm ra được cung ứng ra thị trường như “Tổ Phụ nữ sản xuất, chế biến thủy, hải sản sạch” tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành; mô hình “Phụ nữ sản xuất, cung ứng rau sạch cho các trường học trên địa bàn xã” tại xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước; Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Sen, huyện Phú Ninh đang hướng đến mô hình trồng rau hữu cơ an toàn... Với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của mô hình, thực hiện an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở nhận thức mà đã có sự chuyển biến rõ nét về hành vi, hành động cụ thể. Nhiều hội viên phụ nữ chủ động ký cam kết tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, chủ động tham gia hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, các cấp Hội LHPN đã chủ động vận động các tiểu thương tại các điểm chợ ký cam kết thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; làm tốt vai trò cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua công tác tư vấn lựa chọn, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu các đặc sản quê hương trong các hội chợ xanh, ngày hội ẩm thực, tọa đàm kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng… Đây là dịp để các tầng lớp phụ nữ, những người tham gia sản xuất cùng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm, nâng cao đạo đức của người sản xuất, kinh doanh qua đó góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm sạch của tỉnh Quảng Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều địa phương đã phát huy được vai trò cầu nối này như: Hội chợ kết nối “Phụ nữ sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn (Phú Ninh); “Hội chợ xanh” (Đại Lộc); “Phiên chợ xứ Tiên” (Tiên Phước); mô hình “Hội viên phụ nữ liên kết sản xuất rau sạch bản địa” để bán tại chợ phiên ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động; công tác giám sát quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được các cấp Hội tập trung thực hiện thông qua việc chủ động thành lập đoàn giám sát do Hội LHPN chủ trì; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các địa phương; giám sát thông qua kênh thông tin phản ánh từ hội viên phụ nữ. Riêng Hội LHPN tỉnh đã chủ trì thành lập đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại thị xã Điện Bàn và thành phố Tam Kỳ với sự tham gia của các ngành liên quan: Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản tỉnh, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh. Tại địa phương được giám sát, đoàn đã làm việc với chính quyền xã/phường Điện An, Điện Minh (Điện Bàn) và An Mỹ, Tam Ngọc (Tam Kỳ) và tiến hành khảo sát thực tế ở 17 cơ sở/hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh; thực hiện lấy mẫu test nhanh 15 sản phẩm (tại chợ: 5 sản phẩm; cơ sở sản xuất, chế biến: 10 sản phẩm) kiểm tra hàn the, liều lượng thuốc trừ sâu, phẩm màu, độ tươi, methanol đối với chả cá, chả thịt, rau xanh, bún, mì, chả viên chiên, thịt bò, thịt heo, rượu trắng. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các địa phương được thực hiện tương đối tốt. Công tác thông tin, tuyên truyền; hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được chính quyền các cấp, các ngành chức năng, Mặt trận và các đoàn thể tích cực thực hiện, tập trung vào các đợt cao điểm. Các sản phẩm được lấy mẫu test nhanh kết quả đều âm tính. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các đơn vị được kiểm tra vẫn còn một số hạn chế như việc quản lý, điều hành chưa toàn diện trên các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương; thống kê, theo dõi các hộ sản xuất kinh doanh đặc biệt là những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chưa thật sự đầy đủ; công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát chỉ tập trung vào những đợt cao điểm. Đối với các cơ sở, hộ gia đình được kiểm tra thực tế đều vi phạm các quy định, điều kiện về thực hiện an toàn thực phẩm….
Đối với các địa phương cũng đã tích cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành với vai trò là thành viên hoặc chủ động thành lập đoàn kiểm tra giám sát riêng của Hội LHPN để kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các điểm trường bán trú trên địa bàn. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác này như thành phố Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, huyện Tiên Phước…
Với sự vào cuộc tích cực từ công tác thông tin tuyên truyền đến việc hỗ trợ trực tiếp cho hội viên phụ nữ thông qua việc thành lập các mô hình trợ lực; phát huy vai trò trong kiểm tra, giám sát; các cấp Hội LHPN đã khẳng định được vai trò của tổ chức Hội trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Và điều quan trọng hơn là hội viên phụ nữ đã được nâng cao nhận thức, hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của bản thân và gia đình; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hành các hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện an toàn thực phẩm, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng; phát huy hơn nữa vai trò cầu nối để các sản phẩm do phụ nữ làm ra được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng; tích cực phát huy vai trò giám sát, kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen và hành vi tích cực trong thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm./.