Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".
Thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất con người dần được nâng cao, việc mưu sinh kiếm sống không còn là vấn đề nặng nề với nhiều gia đình trẻ trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đã đề cao lối sống cá nhân, ít quan tâm đến xây dựng gia đình hạnh phúc, thiếu kỹ năng sống…dẫn đến ly hôn ngày càng gia tăng.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, Vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng... Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.
Đối với thành phố Tam Kỳ, theo báo cáo tổng kết công tác 5 năm (2011-2016) của Tòa án nhân dân thành phố, tổng số vụ án hôn nhân và gia đình được thụ lý 1.249 vụ việc, nguyên nhân xin ly hôn chủ yếu là do mâu thuẫn gia đình, đánh đập ngược đãi, ngoại tình, độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm 75%. Riêng năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố thụ lý 513 vụ hôn nhân và gia đình, hầu hết độ tuổi ly hôn dưới 30, trong đó mẫu thuẫn gia đình là 419 vụ. Đặc biệt, tỷ lệ đơn xin ly hôn của gia đình trẻ tăng rất cao (đăng ký kết hôn từ 01 đến 03 năm), 90% đơn ly hôn là do người vợ đứng tên. Nguyên nhân được đưa ra là do trước khi kết hôn, các cặp đôi chưa tìm hiểu kỹ, kết hôn khi tuổi còn quá trẻ, chưa có việc là ổn định, chưa có nhiều kỹ năng sống nên khi phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt vợ chồng dù nhỏ nhưng không xử lý tốt quan hệ gia đình, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, có sự va chạm trong đời sống hằng ngày nên những mâu thuẫn bắt đầu từ đấy nảy sinh.
Theo chia sẻ của các gia đình tại buổi Tọa đàm “Giải pháp kéo giảm tình trạng ly hôn trong gia đình trẻ” do Hội LHPN thành phố tổ chức vào năm 2017” thì nguyên nhân dẫn đến giới trẻ ly hôn sớm được đề cập đến:
Thứ nhất, đó là quan điểm và lối sống giữa hai người không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra cãi vã. Khi chưa kết hôn, giới trẻ yêu rất vội và chưa tìm hiểu kỹ, chưa có sự chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, có rất nhiều gia đình phải tổ chức “cưới chạy” khi con cái “lỡ” mang thai ngoài ý muốn.
Thứ hai, là do cuộc sống ngày nay khá bận rộn, giới trẻ quá tập trung vào công việc mà không có thời gian lo cho gia đình, ít dành thời gian để trò chuyện với nhau, ít cảm thông chia sẻ cho nhau, việc đề cao lối sống cá nhân ngày càng nhiều, bữa cơm gia đình càng hiếm với gia đình trẻ.
Thứ ba, là do thiếu kỹ năng sống chung, ví dụ như về chuyện chi tiêu trong gia đình hay chuyện nhà nội, nhà ngoại, chuyện ngoại giao, nuôi dạy con thế nào... khi không thống nhất được với nhau dẫn đến mâu thuẫn và đưa nhau ra Tòa án.
Thứ tư, bạo lực gia đình, rượu chè, cờ bạc, mắc các tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân tan vỡ của nhiều cặp đôi (theo thống kê của phòng VHTT thành phố, đây là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình và đưa đơn ly hôn rất cao, nam giới là đối tượng chính gây ra).
Rất nhiều hậu quả để lại sau khi ly hôn mà không phải cặp vợ chồng nào cũng lường hết được. Nguy cơ mất an toàn phát triển cho phụ nữ, trẻ em và sự bền vững của gia đình sau ly hôn sớm ở giới trẻ ngày càng đáng báo động.
Những người phụ nữ khi ly hôn thường sẽ thiệt thòi hơn so với nam giới, nhất là đối với phụ nữ trẻ sau ly hôn phải đối mặt với những khó khăn về tài chính khi tiếp nhận quyền nuôi con cái, mặc dù người cha có chu cấp. Ảnh hưởng về mặt tinh thần cũng không nhỏ sau ly hôn, cùng với đó, những người phụ nữ ly hôn thường có khả năng “tái hôn” thấp hơn so với đàn ông…
Đối với nhiều cặp vợ chồng ly hôn là cách để giải phóng hai người khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nhưng đối với trẻ em đó lại là những mất mát, những tổn thương không hề nhỏ cả về tinh thần và vật chất. Sau ly hôn của bố mẹ, con trẻ phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ. Cho dù bố mẹ, gia đình có cố gắng bù đắp bằng vật chất thì cũng không thể nào xoa dịu được nỗi đau xa cách. Hơn nữa, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con cái trong tương lai, thậm chí thiếu tự tin vào cuộc sống dễ rơi vào các tệ nạn xã hội, nghiện hút, cướp giật…
Vấn đề con chung, con riêng, vấn đề giáo dục và khả năng an toàn cho bản thân thấp khi sống chung với “mẹ kế” hoặc “bố dượng”. Hoặc trẻ không ở với bố mẹ là một thiệt thòi rất lớn cho sự phát triển, không có sự kiểm soát của gia đình, trẻ sử dụng mạng xã hội sớm nhưng không biết sự chọn lọc, dễ bị dụ dỗ và nguy cơ bị xâm hại cao.
Ly hôn mang lại cuộc sống tự do cho vợ hoặc chồng nhưng những hậu quả xấu mà nó để lại cũng là một vấn đề hết sức nan giải cho xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo khi chỉ có ông, bà 70, 80 tuổi phải gồng mình lo toan cho những đứa cháu thơ ngây khi bố mẹ chúng ly hôn; thiếu sự quan tâm và vòng tay chở che của gia đình, nhiều em nhỏ đã phải sớm bươn chải ngoài xã hội, đối mặt với nhiều nguy hiểm, cám dỗ, trẻ dễ bị sa ngã và vi phạm pháp luật. Điều đáng chú ý hơn, đứa trẻ sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ trong gia đình, đó chính là mầm non tương lai của đất nước, tuy nhiên, ly hôn ngày càng cao của giới trẻ đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ, làm phá vỡ giá trị truyền thống và tính bền vững của gia đình khi xã hội ngày càng đề cao giá trị cá nhân.
Theo báo cáo tổng kết công tác xét xử năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, có 50 vụ trộm cắp tài sản với 65 bị cáo thì có đến 15 bị cáo dưới 18 tuổi phạm tội, trong số đó có nhiều trẻ có bố mẹ đã ly hôn. Ly hôn trong giới trẻ ngày càng cao, các số liệu đưa ra cho thấy năm sau đều cao hơn năm trước.
Trong thời gian qua, công tác gia đình được thành phố Tam Kỳ quan tâm và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. UBND thành phố Tam Kỳ đã ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch 87/KH-UBND, ngày 29/4/2016 về triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2016-2020” và thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; Kế hoạch 109/KH-UBND ngày 30/6/2017 về thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Tam Kỳ; Sau Tọa đàm “giải pháp kéo giảm tình trạng ly hôn trong gia đình trẻ”, Hội LHPN thành phố đã có báo cáo kiến nghị, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành có liên quan về thực hiện công tác gia đình trong thời gian tới; Hội LHPN thành phố tiếp tục duy trì 34 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 21 CLB Gia đình hạnh phúc; Hằng năm tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giao lưu, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, tổ chức Tọa đàm, thực hiện công tác giám sát phòng chống bạo lực gia đình; đặc biệt phong trào “Phụ nữ Tam Kỳ- cử chỉ đẹp, sống văn minh” được Hội LHPN thành phố phát động thực hiện từ 2015 đến nay đã có tác động tích cực đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trên địa bàn thành phố.
Giới trẻ hiện nay sống rất văn minh và công bằng, khi mà xã hội Việt Nam đang hướng đến bình đẳng giới trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có bình đẳng giới trong hôn nhân, đó là hôn nhân tiến bộ và tự nguyện. Để hạn chế tình trạng ly hôn ở giới trẻ, bản thân mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình. Biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng lẫn nhau, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi có mâu thuẫn xảy ra cần bình tĩnh xem xét đúng sai, cùng nhau giải quyết. Đặc biệt phải suy nghĩ cho tương lai của con cái. Gia đình nội ngoại hai bên cần có sự quan tâm định hướng hôn nhân cho con cái; sáng suốt, cảm thông để kịp thời góp ý, phân tích đúng sai khi hai người xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chú trọng đến giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, phát huy vai trò hòa giải, định hướng của các Tộc họ văn hóa; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.