Dân tộc thiểu số tỉnh ta đa phần sinh sống tại các huyện miền núi phía Tây, chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và phát triển kinh tế vườn, đồi. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc vươn lên, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Với chức năng và nhiệm vụ của Hội LHPN là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; Hội xác định, công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số là một bộ phận của công tác vận động phụ nữ nói chung, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của tổ chức Hội, cần tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, đặc biệt đối với cấp cơ sở. Trên tinh thần đó, Hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ, lựa chọn ưu tiên phù hợp, sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên nền văn hóa truyền thống dân tộc để tuyên truyền vận động, tập hợp, nâng cao trình độ, nhận thức, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Đảng về công tác dân tộc; Nghị quyết số 06-NQ/BCH ngày 19/2/2014 của Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam về Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trong hệ thống Hội LHPN nữ các cấp; Nghị quyết số 12-NQ/HĐND của Hội đồng Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025,...Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ“Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc” ; Nhiệm vụ“Vận động, hỗ trợ Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên tinh thần phát huy nội lực, thực hiện “vận động” trước, “hỗ trợ” sau; gắn kết đồng bộ, xuyên suốt các giải pháp tư vấn, dạy nghề, khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp, vốn, việc làm bền vững. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ miền núi phối hợp khảo sát, phân loại hộ nghèo, vận động đăng ký và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Tổ chức tuyên truyền phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Tuyên truyền Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vv... Tuyên truyền nâng cao hiểu biết về pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số về Luật bình đẵng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Chỉ thị số 07-CT/TU của Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức các điểm truyền thông, xây dựng điểm mô hình “phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo ở các địa phương miền núi vv... Đẩy mạnh, duy trì hoạt động kết nghĩa giữa tỉnh với xã, huyện với huyện, huyện với xã; Với hoạt động này, hàng năm đã có nhiều chuyến thăm, tặng quà, về nguồn, giao lưu, kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm vùng - miền, trao đổi kinh nghiệm công tác Hội, “tiếp bước cho em đến trường”, hỗ trợ mái ấm tình thương, hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế cho hàng trăm phụ nữ, trẻ em nghèo, phụ nữ yếu thế, khó khăn...

Hội LHPN tỉnh ra mắt mô hình “Hỗ trợ bò sinh sản”và tặng quà cho phụ nữ nghèo
xã Chơ Chun, huyện Nam Giang (năm 2018)
Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Hội cụ thể hóa thành nhiều phong trào với nội dung thi đua phong phú phù hợp với đặc thù của chị em gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn chị em chuyển dịch cơ cấu sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, khai hoang lúa nước, hạn chế phát rừng làm rẫy, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, ... Duy trì mô hình “Đồng tiền tiết kiệm”, “Ống nứa tiết kiệm”, “Kho thóc học đường”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” vv... Với hoạt động này, từ năm 2014-2018, đã xây dựng được 35 mái ấm tình thương, sửa chữa 10 nhà với tổng số tiền 1.120.000 đồng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, vận động trao từ 250-300 suất quà, học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động trao sổ tiết kiệm, trao quà cho bà con vào các dịp tết, cứu trợ khó khăn đột xuất với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng/năm. Tín chấp từ Ngân hàng chính sách xã hội cho 54.911 phụ nữ tham gia vay vốn với tổng dư nợ 1.855 đồng (trong đó có 9.202 hội viên dân tộc); Hằng năm trung bình có 1.200 hộ nghèo được giúp thoát nghèo (trong đó có trên 300 hộ là người dân tộc thiểu số). Điển hình giúp các chị Hồ Thị Kiểu (dân tộc Bhnoong) thôn 1, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn; Chị ALăng Thị Mộc (dân tộc Cơ Tu) thôn Bút Nhót, xã Sông Kôn; chị ALăng Thị Thơm (Cơ Tu), thôn Tà Rèng, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, chị Hồ Thị Xô (Ca Dong) - thôn 1, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, chị Bling Thị Vấp (Cơ Tu), thôn Áp Grồng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang ...để phát triển kinh tế gia đình bớt khó khăn. Thực hiện Chương trình“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các cấp Hội đã vận động số tiền 2,7 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 16 mái ấm tình thương (50 triệu đồng/nhà), trao trên 500 suất quà cho phụ nữ nghèo vùng biên giới, tặng quà các đồn biên phòng, xây dựng 01 mô hình nuôi bò sinh sản (10 con/ 10 hộ), 02 mô hình nuôi ngan (20 hộ), 01 mô hình trồng đẳng sâm xen canh. Tổ chức các lớp tập huấn, toạ đàm hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho phụ nữ nghèo vùng biên giới,.. với tổng số tiền hỗ trợ 2,1tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Một số nơi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo cao; thiếu việc làm, di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, một số bản làng, cộng đồng dân cư còn thiếu điện thắp sáng, nước sinh hoạt; bệnh tật, mù chữ, tái mù chữ trong phụ nữ vv... đang là thách thức lớn. Bên cạnh, miền núi chúng ta còn chịu tác động từ biến đổi khí hậu, nắng hạn, thiên tai, bão lũ... Riêng đối với phụ nữ , một bộ phận chị em chưa chủ động rèn luyện phẩm chất đạo đức trong thời kỳ mới, chưa làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nhận thức về luật pháp, vai trò, chức năng giáo dục của gia đình trong đồng bào dân tộc vẫn còn hạn chế; các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang là vấn đề đáng lo ngại. Bất bình đẳng giới trong gia đình còn tồn tại dưới nhiều hình thức, đặt biệt nhất là tình trạng cưới vợ, gả chồng chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, việc kết hôn cận huyết thống trong dòng tộc (phạm vi ba đời) vẫn còn xảy ra, phụ nữ diện sinh đẻ còn sinh con tại nhà vv... làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy giảm giống nòi. Để góp phần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, đời sống vật chất, tinh thần giúp chị em thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện, cơ hội để chị em thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian đến các cấp Hội phụ nữ các huyện miền núi cần tập trung vào những nội dung sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tích cực học tập, nâng cao trình độ, nhận thức mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc.
2. Bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng cho cán bộ Hội cơ sở. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật đặc thù đối với phụ nữ dân tộc thiểu số; cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số; cán bộ nữ công tác ở vùng cao, biên giới, những chính sách có liên quan đến phụ nữ, hôn nhân và gia đình.
4. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, hợp tác với nước bạn Lào có chung biên giới nhằm phối hợp phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, di cư trái phép. Vận động phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần giữ vững chủ quyền, xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị.
5. Triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017-2027”; Vận động chị em thực hiện có hiệu quả Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 07 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 4426/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống./.