“Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ cần được phát huy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phát động và chỉ đạo Hội LHPN các cấp thực hiện có hiệu quả cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Nền tảng để thực hiện cuộc vận động là sự kế thừa và phát huy những kết quả nổi bật từ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội LHPN huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là địa phương có cách làm hay, tiêu biểu.
Những kết quả nổi bật
Theo kết quả báo cáo, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2016-2021), các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Duy Xuyên, đã xác định đầu ra của phong trào thi đua và 2 cuộc vận động là các điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo. Do đó, hằng năm, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh Hội gắn với tình hình thực tế địa phương, các cơ sở Hội trên địa bàn huyện đã lựa chọn chủ đề phù hợp để phát động thi đua, thông qua đó đã tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” (CVĐ) trong toàn thể cán bộ, HVPN đạt được những kết quả quan trọng.
Trong công tác chỉ đạo, trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được trong học tập và làm theo Bác, các nội dung Đề án 343 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2010- 2015; nhiệm kỳ này, Hội LHPN huyện Duy Xuyên đã tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong các cấp Hội; nhằm giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, nhanh chóng chuyển đổi hành vi trước những tác động tiêu cực từ mặt trái xã hội trong nền kinh tế thị trường; gìn giữ, phát huy và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Để CVĐ có sức lan tỏa và hiệu quả sâu rộng, Hội đã tăng cường chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam tới cán bộ, hội viên phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Đặc biệt Hội đã cụ thể hóa nội dung rèn luyện gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước và các nhiệm vụ công tác Hội,... đến cán bộ hội, hội viên, cũng như nữ công chức, viên chức, lao động, lực lượng vũ trang… nhằm bồi dưỡng, xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Công tác tuyên truyền được Hội LHPN huyện Duy Xuyên xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính quyết định để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác. Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, tập trung đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, hằng năm trên cơ sở chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, Huyện ủy, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể để chỉ đạo cơ sở tập trung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các chuyên đề của Hội để nâng cao trình độ, kiến thức nhiều mặt cho phụ nữ. Ngoài tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và lực lượng nòng cốt cơ sở. Hội đổi mới hình thức tổ chức tuyên truyền dưới dạng sinh hoạt, diễn đàn, hái hoa dân chủ, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, mít tinh, hội trại, hội thi, toạ đàm,… nhằm thu hút, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Một số cơ sở Hội của Duy Xuyên đã có những giải pháp hay, cách làm mới để thu hút CB, HVPN tham gia thể hiện tài năng và tự tin và gắn bó với tổ chức Hội bằng nhiều hoạt động như: Hội thi "Dáng lụa quê hương", “Phụ nữ duyên dáng và tài năng”, cán bộ Hội giỏi, "Bến đỗ yêu thương", “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với kiến thức pháp luật”, "Phụ nữ tự tin- tự trọng – trung hậu – đảm đang", thi hóa trang nhân vật lịch sử, phát huy “Tổ kể chuyện về Bác”...; đa số các hội thi được chuyển thể bằng những câu hỏi đáp, kịch bản truyền thông dễ hiểu, dễ nhớ để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của hội viên phụ nữ, tiếp tục giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Các mô hình tiếp tục duy trì và hoạt động hiệu quả tại cơ sở đó là: “heo đất tiết kiệm”, “ống tre tiết kiệm”... với số tiền tiết kiệm được trên 3,772 tỷ đồng. Trong hơn 2 năm qua, Duy Xuyên đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao 22 mái ấm tình thương; sửa chữa 9 nhà; tặng 147 sổ tiết kiệm,... ngoài ra Hội còn hỗ trợ tại chỗ cho những trường hợp phụ nữ gặp khó khăn, rủi ro, tai nạn.... với tổng số tiền trên 1,549 tỷ đồng. Nhiều điển hình, mô hình mới, cách làm hay nổi bật, có sức lan tỏa cũng xuất hiện tại cơ sở như: mô hình “Căn bếp sáng-ấm tình phụ nữ”, mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ tứ đức” (Duy Phước); mô hình Trồng hoa thay cỏ dại”, “Trồng cây xanh” (Duy Thành, Duy Phú, Duy Hòa); “Tủ thuốc y tế tư gia” tặng hộ phụ nữ nghèo (Duy Phước); mô hình“Gia đình tân tiến” (thôn Mỹ Sơn, Duy Phú); mô hình “Ngày yêu thương” (Duy Trinh); mô hình “Bát cháo tình thương”, “Bữa cơm từ thiện”, “Chia sẻ yêu thương” tặng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện hằng tuần, hằng tháng được duy trì tại thị trấn Nam Phước, Duy Sơn, Duy Vinh, Duy Phước....
Mô hình “Căn bếp sáng-ấm tình phụ nữ” được Hội LHPN xã Duy Phước tổ chức ra mắt và thực hiện năm 2017 đã thu hút đông đảo hội viên tham gia bởi tính hiệu quả. Nội dung hoạt động của mô hình theo hình thức xây dựng các tổ tiết kiệm với mức đóng góp bình quân hàng tháng mỗi hội viên 500.000 đồng để mua vật dụng, đồ dùng trong nhà bếp theo cách “Góp trước –mua sau”. Hoặc Hội LHPN xã liên hệ các đại lý đặt vấn đề mua đầy đủ dụng cụ nhà bếp và trả góp dần theo cách “Mua trước-góp sau”. Từ cách làm này, đến nay đã có 79 gia đình hội viên phụ nữ nghèo có máy lọc nước, 23 gia đình trang bị được tủ lạnh, 14 gia đình có tủ áp tường, mỗi công trình trị giá hơn 5 triệu đồng. Chính vì hoạt động hiệu quả của mô hình đến nay đã nhân rộng ra 3 xã, 16 thôn trên địa bàn toàn huyện. Những đơn vị còn lại không xây dựng mô hình mà chỉ đẩy mạnh cách làm hay này. Do đó, đến nay thông qua việc phối hợp với Công ty TNHH MTV công nghệ cao Bảo Khang đã giúp cho trên 500 hộ còn thiếu các thiết bị căn bếp nhất là máy lọc nước công nghệ cao.
Mô hình “Ngày yêu thương” của Hội LHPN xã Duy Trinh hoạt động hiệu quả; vào ngày 10 hằng tháng các chị trong BCH, chi tổ Hội đã đến từng hộ gia đình phụ nữ nghèo, không nơi nương tựa để dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc những gia đình có người đau ốm nằm một chỗ, đi chợ nấu ăn cho những hộ gia đình già yếu neo đơn, động viên tinh thần giúp họ vượt qua những lúc hoạn nạn khó khăn.
Mô hình mới “Tiết kiệm 1 ngày vì phụ nữ nghèo, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo” tại Duy Vinh, mỗi hội viên tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng/năm, qua hơn 2 năm số tiền thu được trên 80 triệu đồng; hỗ trợ trao sinh kế cho 10 hộ đầu tư chăn nuôi trong đó có 03 con bò nái và gần 2.000 con gà; 03 hộ mua sắm ngư lưới cụ.
Mô hình “hũ gạo tiết kiệm” và phong trào thu gom phế liệu gây quỹ được duy trì tại Hội LHPN xã Duy Trung, Duy Vinh đã thu được 175 kg gạo hỗ trợ cho 52 hộ phụ nữ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn; có 3/6 chi hội thu gom phế liệu thu được 3,1 triệu đồng đã hỗ trợ cho 7 hội viên phụ nữ, 5 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “Trồng hoa thay cỏ dại” là mô hình mới thực hiện trong năm 2018 nhưng thu hút hội viên tham gia và hoạt động khá hiệu quả tại Duy Thành, Duy Phú, Duy Hòa. Từ hoạt động hiệu quả của mô hình, đến nay đã nhân diện ra 6 mô hình, gắn với khu dân cư kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Phong trào “Bánh tét ngày xuân” tặng phụ nữ nghèo cũng được duy trì thường xuyên trong cán bộ, hội viên 14/14 xã/thị trấn, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc hằng năm đã tặng hơn 5.000 xuất, tổng trị gần 1 tỷ đồng. Hội LHPN các xã Duy Phú, Duy Hải, Duy Phước, Duy Tân, Duy Vinh, Duy Hòa.. tổ chức chương trình "Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình", "Thắm tình Xuân", "Chăn ấm mùa đông", “Phiên chợ Tết 2000 đồng”…. Những hoạt động ý nghĩa trên đã phần nào góp phần giúp cho chị em phụ nữ khó khăn, neo đơn đón Tết được vui vẻ, yên tâm hơn, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.
Các mô hình giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được các cấp Hội triển khai đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả. Hội LHPN 14 xã, thị trấn duy trì mô hình “1 +1” và tiếp tục đăng ký danh sách mỗi cơ sở Hội giúp ít nhất 2 phụ nữ nghèo có địa chỉ, trong hơn 2 năm đăng ký giúp 334 hội viên phụ nữ nghèo ở 94/94 thôn, khối phố. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ tiếp sức cụ thể như: tập huấn kiến thức KHKT, tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn đối thoại với hộ nghèo, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế, tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH, hỗ trợ vay vốn từ chương trình dự án, xây dựng các mô hình trợ lực… và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của từng HVPN nghèo, qua hơn 2 năm có 276 hộ phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo.
Nhiều điển hình tập thể, cá nhân về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được Hội LHPN tỉnh, huyện đến cơ sở biểu dương, khen thưởng trong hơn 2 năm, tiêu biểu: điển hình chị Lê Thị Trang - Cán bộ tổ phụ nữ thôn Triều Châu, xã Duy Phước được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen trong Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 cấp tỉnh (tháng 5/2018). Với đôi chân bị khuyết tật nhưng không đầu hàng với số phận, chị vượt lên chính mình để làm giàu chính đáng bằng nghề cắt tóc, nuôi heo đệm lót sinh học, nuôi gà, vịt và quán ăn nhỏ... với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; chị quan tâm đến người khác bằng việc rất đời thường, đều đặn hằng ngày chị đặt trước nhà một bình nước trà đá để phục vụ miễn phí cho bà con lao động, người đi đường và vào sáng chủ nhật hằng tuần chị phục vụ cháo miễn phí cho đội thu gom rác thải của thôn; chị Võ Thị An – hội viên phụ nữ thôn Hà Mỹ xã Duy Vinh, là hộ nghèo của địa phương, Hội hỗ trợ vay 5 triệu để phát triển chăn nuôi, tráng mỳ quảng tươi gắn với du lịch trãi nghiệm, từ đó đã thoát nghèo bền vững năm 2016; chị Hứa Thị Liễu-chi hội trưởng phụ nữ thôn Triều Châu, xã Duy Phước, bằng những phấn đấu nổ lực của mình, nhiều năm liền chị đều được bình xét là cán bộ Hội giỏi, đưa phong trào của chi hội phụ nữ thôn Triều Châu đạt xuất sắc và dẫn đầu 2 năm liền 2016-2017, được Hội LHPN huyện Duy Xuyên khen thưởng, được Chủ tịch UBND xã khen thưởng cá nhân xuất sắc, gia đình đạt gia đình văn hoá của thôn; mô hình “Căn bếp sáng-ấm tình phụ nữ” là sáng kiến của chị đã mang lại lợi ích cho HVPN thôn nhà và nhân diện ra các địa phương khác...
Nhìn chung, việc thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong các cấp Hội LHPN huyện Duy Xuyên đã đi vào chiều sâu, tạo được chuyển biến rõ nét từ nhận thức sang làm theo, đa số chị em hội viên phụ nữ luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, xây dựng tinh thần yêu quê hương, đất nước, chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua các mô hình, điển hình, các hoạt động cụ thể của cơ sở Hội, CB, HVPN từng bước khẳng định mình và tự tin vào năng lực của bản thân, có ý chí cầu tiến, vượt qua hoàn cảnh, vươn lên tỏa sáng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Cuộc vận động trong hệ thống Hội của Duy Xuyên những năm qua vẫn còn bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế, khó khăn nhất định, đó là: Công tác nắm bắt phản ánh tình hình tư tưởng của hội viên, phụ nữ, tâm trạng xã hội ở một số địa phương chưa kịp thời; nội dung tuyên truyền chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của một đối tượng cụ thể; một số báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chưa chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền; chất lượng tuyên truyền của một số cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu; nội dung, hình thức tuyên truyền ở một số nơi chưa phong phú, đa dạng, do đó có nơi chưa thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Việc phát hiện, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, gương tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Cuộc vận động chưa kịp thời. Chưa có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu mới trong rèn luyện 04 phẩm chất đạo đức cũng như học tập Bác; cuộc vận động thực sự chưa lan tỏa và đi sâu vào trong từng thành viên của hộ gia đình mà chỉ dừng trong các đối tượng phụ nữ, chưa để trở thành phong trào thi đua thiết thân của hộ gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Những giải pháp đặt ra
Để khắc phục những hạn chế, hướng đến tính hiệu quả, chất lượng trong thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với CVĐ; trong thời gian đến, Hội LHPN huyện Duy Xuyên cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Thứ hai, tập trung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tuyên truyền, quán triệt, vận động hội viên, phụ nữ hiểu đầy đủ và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.
Thứ ba, tiếp tục duy trì, củng cố, xây dựng và nhân rộng mô hình hay, việc làm tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, các nhiệm vụ của Hội, của địa phương; định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh thông tin (Facebook, Zalo,...), phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, sử dụng có hiệu quả các loại tài liệu tuyên truyền và sử dụng tủ sách pháp luật có hiệu quả.
Thứ năm, xây dựng, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt ở cấp cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai học tập và thực hiện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong các cấp Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, các cấp Hội, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh cần tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Việc rèn luyện Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được triển khai nhằm giữ gìn và bồi dưỡng những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Quảng Nam gắn với nhiệm vụ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện; tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các tầng lớp phụ nữ trong rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, củng cố nhân rộng các mô hình hay, khuyến khích cách làm sáng tạo trong triển khai, thực hiện cuộc vận động đảm bảo thiết thực hiệu quả phù hợp với nhóm đối tượng. Quan tâm, giúp đỡ phụ nữ yếu thế, phụ nữ khó khăn, phụ nữ vùng sâu, vùng xa… trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.