Cây nhàu rất tốt cho sức khỏe mà không gây ra bất kì tác dụng phụ nào, không gây độc, không gây nghiện,… Những sản phẩm có chiết xuất từ cây nhàu như: viên trái nhàu, bột nhàu khô, trái nhàu khô dùng pha trà hoặc ngâm rượu uống để điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Xuất phát từ buổi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, ẩm thực với các bạn trẻ Hàn Quốc tại làng Hoa Sen quốc tế (phường An Phú,TP.Tam Kỳ), chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung - hội viên phụ nữ khối phố Phú Trung, phường An Phú biết được người Hàn Quốc rất thích các sản phẩm từ thiên nhiên, trong đó có các sản phẩm được chế biến từ trái nhàu. Với tính nhạy bén, ham học hỏi và đam mê sáng tạo, chị Nhung đã nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp từ trái nhàu, vì cây nhàu rất dễ trồng, kể cả đất nhiễm mặn và vùng đồi núi, mà ở quê hương đất Quảng chúng ta ở đâu cũng trồng được cây nhàu. Qua tìm hiểu thị trường Nhung còn biết thêm các nước Mỹ, Nhật, Hàn đã có các sản phẩm từ trái nhàu nhưng giá thành khá cao, tại sao mình không thể phát triển sản phẩm từ cây nhàu ngay trên mảnh đất quê hương ? Nói là làm, rồi Nhung tự tìm mua nguyên liệu nhàu thô về ngày đêm thử nghiệm, học hỏi bạn bè, người thân, vào các trang báo trên mạng tìm hiểu sâu, kỹ về công dụng, cách sử dụng và các sản phẩm hiện có trên thị trường;... rồi Nhung cũng cho ra sản phẩm từ nhàu thô làm quà để các bạn mang về đất nước Hàn Quốc tặng người thân và gia đình, không ngờ các món quà của Nhung được các bạn người Hàn phản hồi tích cực, nhờ đó Nhung có thêm động lực lớn...
Qua nhiều lần thử nghiệm, có lần cũng thất bại, nhưng không làm Nhung nản lòng, và cứ thế nhiều mẻ nhàu Nhung thử nghiệm gần như “nhàu nát”. Thử mãi, rồi ông trời cũng không phụ lòng cô gái trẻ, tháng 12/2019 sản phẩm nhàu đầu tiên của Nhung ra đời có thương hiệu BESTONE được khách hàng ưa chuộng.

Sản phẩm nhàu BESTONE
Để đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN thành phố Tam Kỳ đang vận động phụ nữ khối phố Phú Trung, phường An Phú trồng thử nghiệm 100 cây nhàu, vừa hỗ trợ cho Nhung có nguyên liệu để sản xuất vừa tạo sự liên kết và tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng sản phẩm OCOOP của địa phương năm 2020. Được biết, mong muốn của Nhung là trong quá trình vừa làm vừa học hỏi và từng bước hoàn thiện sản phẩm từ cây nhàu, Nhung rất mong thương hiệu BESTONE mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm từ thiện nhiên lành mạnh và an toàn, đó là một chuỗi sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa về chủng loại, quy cách đóng gói…để thuận tiện nhất trong sử dụng và bảo quản. Từ đó sản phẩm không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, mà còn nâng tầm giá trị từ thiên nhiên đất Việt ra thế giới.
Hiện cơ sở sản xuất nhàu BESTONE của Nhung mỗi tháng cho ra thị trường 100kg nhàu (chủ yếu là nhàu lát khô, bột nhàu và trà túi lọc), giải quyết thường xuyên cho 4 lao động nữ (trong đó có 2 phụ nữ khuyết tật), lương 4 triệu đồng/tháng/ người. Khách hàng cũng khá đa dạng, cả trong và ngoài nước, nhưng chuộng nhất vẫn là khách đến từ Hàn Quốc. Ngoài cơ sở tại khối phố Phú Trung, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, sản phẩm nhàu BESTONE hiện được trưng bày tại cửa hàng lưu niệm 45 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Sản phẩm còn giới thiệu trên website: www.nonibestone.com.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung tại cửa hàng trưng bày sản phẩm, 45 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng