Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là ở thời điểm cả nước đang trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì việc chọn mua lương thực, thực phẩm giúp nâng cao sức đề kháng của mỗi người là vấn đề cần quan tâm.
Công tác tuyên truyền được chú trọng, triển khai
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ, người tiêu dùng, người sản xuất về nội dung “Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam” là khơi dậy lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng và thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, đặc biệt nhất là với chị em phụ nữ trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt có chất lượng. Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 nêu “Vận động, hỗ trợ phụ nữ thay đổi nhận thức, hành vi để thực hiện sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch, là hạt nhân tích cực vận động xã hội thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm”. Trên tinh thần đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh xác định công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ nữ và người dân.

BS Phạm Đây- Phó chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh Quảng Nam triển khai Luật An toàn thực phẩm cho CB,HVPN huyện Đại Lộc (tháng 3/2018)
Thời gian qua, Hội đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư thông qua thực hiện Cuộc vận động “Xây dưng gia đình 5 không 3 sạch”, trọng tâm là tiêu chí “3 sạch” … Phối hợp tổ chức tư vấn, truyền thông, giao lưu, hội thi “Tìm hiểu kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm”, tổ chức chương trình “Nấu ăn cùng Ajinomoto”; mở các lớp tập huấn, truyền thông cung cấp cho phụ nữ kiến thức trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe. Hướng dẫn chị em lan tỏa tinh thần “xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng và lối sống, chung tay xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững”. Vận động phụ nữ xóa bỏ tư tưởng “rau hai luống, lợn hai chuồng” trong trồng trọt và chăn nuôi. Triển khai xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới” ở các địa phương.
Bên cạnh, các hoạt “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và Techfest- Quảng Nam” được Ủy ban nhân dân tỉnh, các Hội đoàn thể, Sở, ngành cấp tỉnh và “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo” cấp huyện được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động như: hỗ trợ phát triển kinh doanh, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp trong khuôn khổ các Đề án“Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhiều sản phẩm chất lượng đã được tôn vinh, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng, như nước mắm truyền thống từ các làng nghề Cửa Khe (Thăng Bình), Tam Thanh (TP. Tam Kỳ), Duy Hải, Duy Nghĩa (duy Xuyên), Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) và các sản phẩm OCOP: trà, rượi, bánh tráng, bánh chưng, ngũ cốc, dầu phộng, yến sào, các loại thịt, trứng, rau, đậu, ngô, bí, trái cây vv… trên địa bàn tỉnh. Nhiều huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với ngành công thương, bưu điện huyện tổ chức điểm phân phối hàng Việt phù hợp, chất lượng tới thôn bản, vùng sâu, vùng xa thông qua ký kết với các doanh nghiệp, qua đó giúp tổ chức Hội phát triển hội viên, đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phụ nữ, cộng đồng dân cư và tạo thêm nguồn thu nhập cho cán bộ chi, tổ Hội.
Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về CVĐ
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Để CVĐ đạt hiệu quả cao, thời gian đến thực hiện “mục tiêu kép” Hội tiếp tục nâng cao nhận thức, vận động phụ nữ làm tốt vai trò của người “Tay hòm chìa khóa” để mang lại cho gia đình những bữa ăn không chỉ ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng mà còn là bữa ăn “sạch, an toàn, tiết kiệm” nâng cao chất lượng cuộc sống. Hướng dẫn chị em áp dụng các quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, chung tay vì một xã hội “Nói không với thực phẩm bẩn” tạo dựng nền sản xuất, tiêu dùng sạch. Khuyến khích, vận động phụ nữ và gia đình thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa an toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường thời kỳ hội nhập quốc tế. Thông qua các chương trình, đề án giúp chị em tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (ở những nơi có điều kiện) để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ theo quy trình sản xuất an toàn.Vận động phụ nữ và người tiêu dùng tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biến chất, đồng thời lên án các tổ chức, cá nhân vì mục đích lợi nhuận, xem thường sức khỏe người tiêu dùng cố tình sản xuất, kinh doanh những thực phẩm không bảo đảm chất lượng, làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến giống nòi, dân tộc, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí “Sạch từ nhà ra ngõ; Sạch từ ngõ ra đường; Sạch từ đường ra cách đồng; Sạch từ bếp đến bàn ăn; Sạch trong sản xuất, chế biến tiêu dùng, kinh doanh lương thực, thực phẩm” vv... Tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, mô hình thực phẩm sạch, bếp ăn an toàn để chăm lo tốt sức khỏe cho mỗi gia đình./.