Sáng ngày 22/9/2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về chia sẻ kinh nghiệm, vận động nguồn lực phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục và nhóm cha mẹ. Dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Tại điểm cầu Quảng Nam, các đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Liên và Phạm Thị Thanh Thủy dự và chủ trì; tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Y Tế; Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Hội LHPN thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh; đại diện nhóm cha mẹ tại thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh.
Đồng chí Trương Thị Thu Thủy, UVĐCT, Trưởng ban GĐXH TW Hội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình - Xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2014-2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất” tại 20 tỉnh, thành tập trung nhiều tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, chú trọng hỗ trợ kiện toàn, phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về chăm sóc giáo dục trẻ theo quy định.
Kết quả có 1.119 nhóm trẻ được hỗ trợ kiện toàn, phát triển tại 20 tỉnh, thành địa bàn Đề án, tạo điều kiện cho 44.425 trẻ dưới 36 tháng tuổi con công nhân lao động được gửi ra các nhóm, lớp đảm bảo chất lượng tại địa phương; 2.910.707/3.910.889 cha mẹ là công nhân lao động có con nhỏ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa bàn đề án được truyền thông, hướng dẫn, cung cấp kiến thức và kỹ năng về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em dưới 36 tháng. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc phát triển trẻ em tại các nhóm độc lập tư thục; đồng thời phần nào giải quyết được vấn đề trường lớp mầm non cho con công nhân lao động ở khu vực này.
Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm chăm sóc phát triển trẻ ở độ tuổi mầm non, đặc biệt là trẻ độ tuổi nhà trẻ (trẻ dưới 36 tháng) đó là: Nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi ra lớp là rất lớn, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 28% trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường (nhà trẻ). Tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng việc chăm sóc, giáo dục cho 44,4% nhu cầu, còn 55,6% số trẻ đang được chăm sóc, giáo dục tại nhà, các nhóm trẻ dưới 7 trẻ tại gia đình, các nhóm, lớp độc lập tư thục trong khi các cơ sở thuộc loại hình chưa đảm bảo yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ theo quy định của ngành giáo dục; chưa có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng cũng như các quy định về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với nhóm trẻ dưới 7 trẻ, nhóm trẻ gia đình trong khi các nhóm này đang hoạt động để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ theo Điều 10, Nghị định 135/2018/NĐ-CP. Nhiều cha mẹ chưa có nhận thức đúng và đủ về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ; cơ hội tiếp cận dịch vụ, thông tin, kiến thức làm cha mẹ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là đối với cha mẹ làm công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Do vậy, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham vấn các bộ ngành và địa phương để xây dựng đề xuất chương trình, đề án, quan tâm, tác động, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc phát triển trẻ em, đặc biệt là trẻ tại các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ dưới 7 trẻ trong thời gian tới, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027.
Tại điểm cầu Quảng Nam, hội thảo đã được nghe 10 ý kiến tham luận, thảo luận với nhiều vấn đề được nêu ra như: Tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục và nhóm trẻ dưới 7 trẻ/nhóm trẻ gia đình; đề xuất xây dựng các chính sách, cơ chế theo dõi, giám sát hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em để hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, hội thảo được nghe các chị đại diện cho những bà mẹ là công nhân lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất có con trong độ tuổi mầm non phát biểu cảm nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình và có những kiến nghị, đề xuất đến các ngành chức năng có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm tạo điều kiện cho các con của mình có được môi trường phát triển tốt.

Đại biểu tham luận, thảo luận tại hội thảo