Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 là những thiệt hại về kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội... trong đó đời sống gia đình cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng chung đó. Có những giá trị gia đình tưởng chừng bị bỏ quên, thì từ thử thách rất lớn của đại dịch, nay đã được kích hoạt trở lại.
Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tổng kết trao giải cuộc thi “Gia đình trong trái tim tôi” năm 2021.
Trước khi đối mặt với đại thảm họa dịch bệnh, con người còn đang mải mê trong cuộc sống hiện đại. Ở một khía cạnh nào đó, theo vòng xoáy của cuộc sống vì lý do này hay lý do kia khiến người ta quên đi chức năng tình cảm của gia đình, hay có nhớ nhưng sự bó buộc về thời gian chưa kịp thực hiện và ngày càng trở nên phai nhạt.
Trước đó, đa số chúng ta đã từng lo lắng về các rủi ro, bất ổn về kinh tế, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội... trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Những biến đổi về đạo đức và lối sống trong xã hội; mối quan hệ gia đình theo khuôn mẫu cũng dần mai một; giới trẻ sống ích kỷ, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ có những mặt chưa được coi trọng; ly hôn nói chung và ly hôn trong gia đình trẻ cũng có chiều hướng gia tăng; tệ nạn xã hội; vấn đề giáo dục chăm sóc, nuôi dạy con đòi hỏi người làm cha mẹ phải có nhiều kỹ năng;... Chúng ta đối mặt với tất cả những điều đó, như một hệ lụy đã được báo trước, đôi khi bất lực với nhịp sống thực dụng và có quá nhiều cám dỗ ở bên ngoài.
Rồi, đại dịch COVID-19 ập đến, như một cơn gió đảo chiều mọi giá trị mà trước đó người ta vốn tin rằng sẽ khó lòng xoay chuyển. Những thử thách khốc liệt của nó đã khiến con người buộc phải nhìn nhận lại cách sống của mình. Tạm thời bị tách khỏi nhịp sống công nghiệp trước sự tấn công của con virus vô hình, không thể đi ra bên ngoài thì người ta buộc phải ẩn sâu vào bên trong, nơi có một mái ấm vẫn ngày ngày chờ đợi.
Trở về với gia đình, sống chậm lại, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian và điều kiện gần gũi, quây quần bên nhau, chăm sóc, quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhân lên nét đẹp hiếu thảo, tôn trọng nhau, nhất là việc con cái chăm lo cho bố mẹ già yếu; bố mẹ chăm lo, gần gũi, dạy bảo các con còn nhỏ, còn nhiều khiếm khuyết trong cuộc sống cũng như khả năng tự lập. Đây cũng là dịp để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. Đó có thể là những bữa ăn cùng nhau trong một gian bếp ấm cúng; cũng có thể là quan tâm hơn đến cha mẹ già, những đối tượng dễ gặp nhiều nguy cơ tử vong bởi bệnh lý nền vốn dĩ. Cũng có thể là cách người chồng vỡ ra sự hy sinh của vợ phía sau gian bếp, trong những bữa cơm của ngày phong tỏa mà người đàn bà buộc phải tính toán, tằn tiện, chi ly. Hay người vợ bắt đầu chứng kiến sự vất vả của chồng mình bên ngoài xã hội, khi giờ đây anh phải mang toàn bộ công việc về nhà để xử lý bên trong bốn bức tường những ngày giãn cách. Đây là khoảng thời gian “vàng” để con người nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, tất cả vì một gia đình hạnh phúc…
Chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại rõ ràng và gây nhiều bất an đến thế khi con người đứng trước sự mất mát quá lớn về người trước thảm họa dịch bệnh. Lúc này đây con người lại càng nhận ra mình thực sự cần gì, mong mỏi ở bên ai. Khi càng gần nhau hơn, điều kiện để kết nối với nhau ngày càng tăng lên, thì chức năng tình cảm gia đình dần được quay trở lại với những giá trị truyền thống của một gia đình kiểu mẫu thời ông bà ta ngày trước.
Dĩ nhiên, thói quen thường được hình thành trong một thời gian dài, qua một đợt dịch bệnh thì khó làm chuyển biến căn bản nhưng rõ ràng với nhiều người, chính thời gian này sẽ làm họ tự ý thức hơn, tự bảo vệ hơn, bước đầu có thể tạo nên những thói quen mới để kiến thiết lại cuộc sống gia đình nhỏ của mình tốt đẹp hơn. Không chỉ vậy, trải qua một thời gian khó khăn, phải ứng phó với nhiều thử thách, có thể một số người sẽ có thái độ sống tích cực hơn, biết quan tâm đến người khác hơn, biết tự chăm sóc bản thân hơn, biết cách phòng tránh các rủi ro cao hơn… Không ai mong muốn có dịch bệnh để làm thay đổi các thói quen chưa tốt, nhưng qua đây, sự thích nghi đã hình thành nên nếp sống mới tốt hơn cho các thành viên trong gia đình thì cũng nên ghi nhận đó là một khía cạnh tích cực của rủi ro, là một hình thức tự thích nghi trong hoàn cảnh đặc biệt.
Do đó, gia đình là một “pháo đài” trong sự “va chạm” các loại hình đạo đức, lối sống trong đại dịch. Nó có thể làm chậm hoặc thúc đẩy nhanh những biến đổi đạo đức, lối sống mỗi người. Nơi chỉ có tình yêu thương, chứ không phải giá trị nào khác, đã làm nên tất cả những điều kỳ diệu đó. Và giá trị cốt lõi của tất cả những điều đó, là gì, nếu không phải là tình yêu thương?