Tỉnh Quảng Nam có 02 tuyến biên giới, biển, đảo dài 282,422 km; trong đó, tuyến biển, đảo có bờ biển dài 125 km, đi qua 03 huyện, 02 thành phố, 01 thị xã, gồm 16 xã, phường với 98 thôn, khối phố, có 43.043 hộ/155.774 khẩu, chủ yếu dân tộc Kinh. Tuyến biên giới Việt - Lào dài 157,422 km, đi qua 02 huyện, gồm 14 xã, với 71 thôn, có 5.876 hộ/23.481 khẩu, chủ yếu là dân tộc Cơ tu, Giẻ Triêng (Ve, Tà riềng, Dẻ); kinh tế thu nhập chủ yếu dựa vào nghề làm nương, rẫy, đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đời sống Nhân dân nói chung, cán bộ, chiến sĩ, hội viên, phụ nữ nói riêng ở khu vực biên giới, biển đảo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần; Nhân dân luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại Biên phòng, ngoại giao Nhân dân được chú trọng.
Bằng những hoạt động cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh ký kết, triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động hiệu quả với chủ đề “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo”, giai đoạn 1991 - 2011; “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo”, giai đoạn 2012 - 2016; “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, hải đảo”, giai đoạn 2017 - 2022; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018 - 2020, 2021 - 2025 và nhiều chương trình khác nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, đặc biệt là các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xoá bỏ tập tục lạc hậu; phòng chống bạo lực gia đình; mua bán người, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; không vi phạm quy chế biên giới, không vượt biên trái phép; giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Bên cạnh đó, hai bên đã phối hợp vận động kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mái ấm tình thương, tặng ngan giống, bò giống và heo bản địa, trồng đảng sâm cho phụ nữ nghèo; đầu tư khu vui chơi cho trẻ em tại trường Tiểu học xã Gari, huyện Tây Giang; xã Đắc Pring, huyện Nam Giang và hỗ trợ hàng hóa, dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình... tổng trị giá trên 11 tỷ đồng.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg, về việc tổ chức “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương và phụ nữ các cấp tổ chức phát động và thành lập được 37 tổ tự quản đường biên; 171 tổ tự quản an ninh trật tự; 84 tổ đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; 10 tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn; thành lập 09 nghiệp đoàn nghề cá và tập trung quần chúng Nhân dân đăng ký tự quản 157,422 km đường biên với 60/60 cột mốc và 07/07 cọc dấu.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các đồn Biên phòng trên hai tuyến biên giới, biển, đảo đã phối hợp với các địa phương và Hội LHPN các cấp tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới với trên 48.000 hộ gia đình đăng ký tham gia; lắp đặt trên 100 hòm thư tố giác xuất, nhập cảnh trái phép; thành lập 26 chốt phòng, chống dịch trên biên giới với trên 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia trực 24/24 giờ...
Có được những kết quả đó, những năm qua, BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, biện pháp quan trọng, trong đó xác định công tác vận động quần chúng là nòng cốt, cơ bản và được đặt lên hàng đầu; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo và triển khai thực hiện tốt các mặt công tác Biên phòng; huy động các tầng lớp Nhân dân và Hội LHPN các cấp trên khu vực biên giới, biển đảo tham gia xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cán bộ, chiến sỹ BĐBP luôn nâng cao nhận thức, phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận; xây dựng được phong cách, tác phong quân nhân khi quan hệ tiếp xúc với Nhân dân: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới và gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các chủ trương của địa phương. Từ đó, tạo được lòng tin yêu với Nhân dân, cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương.
Tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới, góp phần xóa đói, giàm nghèo là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Nhân dân ấm no, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu sẽ thêm niềm tin, ý chí, trách nhiệm của từng người dân trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Do đó, BĐBP tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở khu vực biên giới. Ngoài ra, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, “Nhà chữ thập đỏ”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”... và triển khai thực hiện các mô hình, chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, nhằm tạo sự thống nhất cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. BĐBP tỉnh đã ký kết và duy trì chặt chẽ Quy chế phối hợp với 08 huyện, thị xã, thành phố biên giới, biển đảo và 12 Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh; hàng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm thông tin, thông báo trao đổi tình hình và sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế. Lựa chọn, điều động, bổ nhiệm 44 lượt cán bộ BĐBP tăng cường cho 14 xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Nam Giang và Tây Giang giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã; giới thiệu 240 lượt đảng viên các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, khối phố; nhận đỡ đầu hơn 100 em trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”; phân công 212 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 1.061 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển, đảo, trong đó 141 đồng chí phụ trách 723 hộ gia đình là người dân tộc thiểu số; phụng dưỡng 15 Mẹ VNAH... Đặc biệt, nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các đơn vị trong BĐBP tỉnh phối hợp với Hội LHPN các cấp triển khai Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”. Qua đó, đã tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; hội thi gói bánh chưng xanh, huy động nhiều suất quà ý nghĩa để hỗ trợ cho hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kịp thời động viên, giúp đỡ các hộ gia đình có thêm điều kiện được đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Thông qua các chương trình hành động, đã phát triển được lực lượng nòng cốt trong quần chúng Nhân dân, phát huy tốt vai trò của già làng, bí thư chi bộ, trưởng thôn, khối phố, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và hội phụ nữ ở cơ sở. Tích cực tuyên truyền, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân đối với “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” gắn với “Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”. Phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tuyên truyền về quốc gia, quốc giới, các quy định về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, cũng như quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Hiệp định, Hiệp nghị trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trên cơ sở nội dung đã được ký kết phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, phát huy kết quả đạt được, xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ mới của 02 ngành, trong thời gian tới sẽ tập trung phối hợp thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân, các tầng lớp phụ nữ và cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Quảng Nam nâng cao nhận thức cách mạng về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam với các chiêu bài “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”... Qua đó, để hội viên phụ nữ các cấp làm tốt công tác vận động chồng, con và người thân trong gia đình chủ động phát hiện và tích cực phối hợp với lực lượng BĐBP đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới, biển đảo.
Hai là, phối hợp, củng cố xây dựng và phát triển hoạt động kết nghĩa mang tính chiều sâu xuống tới cơ sở một cách thiết thực, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đơn vị BĐBP vững mạnh toàn diện; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội LHPN và thực hiện nhiệm vụ, công tác Biên phòng, chú trọng hơn đến công tác hậu phương quân đội, đồng thời phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của địa phương.
Ba là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn biên giới, biển đảo.
Bốn là, phối hợp tham mưu đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các chính sách giảm nghèo cho hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, hướng dẫn đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội để thoát nghèo bền vững. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, chính sách để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, như nâng cấp và mở mới các tuyến đường ra biên giới, đường tuần tra biên giới, đường liên thôn, liên xã biên giới. Phát triển điện lưới quốc gia, kiên cố hóa trường học, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng mới, nâng cấp và đầu tư thiết bị các trạm y tế xã, trạm quân dân y kết hợp...
Năm là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phòng, chống tội phạm ở khu vực vùng biên giới; chăm lo xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của phong trào quần chúng tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, trong cuộc vận động hướng về biên giới.
Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh. Tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại Nhân dân, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới./.