Nâng cao chất lượng tổ chức Hội và phát huy hiệu quả vai trò đại diện của tổ chức Hội tham gia giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ được Nghị quyết đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017 - 2022 và Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 chọn là 2 khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” và “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội; tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phụ nữ thời kỳ mới. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ Quảng Nam triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả quan trọng, làm đòn bẩy thúc đẩy phong trào phụ nữ tỉnh nhà phát triển toàn diện.
Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ được đặt lên hàng đầu theo hướng hiệu quả trong hoạt động, tinh gọn trong cơ cấu tổ chức, có quan hệ thống nhất, đồng bộ trong Hệ thống Hội. Các cấp Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy cán bộ Hội các cấp biến động qua kỳ Đại hội Đảng, kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp và thực hiện sáp nhập xã, thôn, khối phố[1]. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác Hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có kỹ năng vận động quần chúng, kỹ năng công tác xã hội; sâu sát cơ sở, có phương pháp làm việc khoa học và tư duy đổi mới. Chủ động đề xuất, tham mưu về quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ Hội; phát triển đảng viên, xây dựng lực lượng nòng cốt để hỗ trợ cho phong trào Hội... Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hội viên; ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền; cải cách hành chính, thực hành dân chủ, đổi mới trong công tác lãnh chỉ đạo; chú trọng xây dựng mô hình tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ phù hợp với sở thích, ngành nghề, nhóm đối tượng và vùng miền; quan tâm chăm lo các đối tượng hội viên, phụ nữ yếu thế, vùng đặc biệt khó khăn, vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh; chủ động đề xuất cán bộ Hội các cấp được luân chuyển, điều động sang các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể...
Công tác giám sát, phản biện xã hội; đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ được triển khai đồng bộ một số giải pháp trong các cấp Hội như: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội; tăng cường công tác phối hợp, kết hợp theo dõi kết quả kiến nghị, đề xuất... Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý/ phản biện của các cấp Hội được đưa vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; nhiều chương trình/ đề án về khởi nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, truyền thông, chế độ bồi dưỡng cho cán bộ Hội được triển khai đều khắp tại 18/18 huyện, thị, thành. Đặc biệt, Hội LHPN cấp tỉnh, huyện hàng năm chủ trì giám sát các chính sách liên quan đến tổ chức Hội và quyền lợi thiết thực của hội viên, phụ nữ, qua giám sát được chính quyền tiếp thu bằng văn bản[2] hoặc điều chỉnh trong thi hành như: Chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số mức 2 triệu/ hộ theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện cho các cấp Hội tham gia quản lý nhà nước theo Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính Phủ; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thực hiện đúng mức kinh phí hoạt động của Hội LHPN nữ theo Nghị quyết số 22/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh... qua đó thể hiện vai trò của tổ chức Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thụ hưởng và góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.
Các cấp Hội LHPN thực hiện tốt vai trò làm cầu nối cho hội viên, phụ nữ phát huy quyền dân chủ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Vận động phụ nữ thực hiện tốt quyền công dân tham gia đi bầu cử và thực hiện quyền dân chủ thông qua các họp thôn/tổ, tiếp xúc cử tri, đối thoại… góp ý về cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; quyết định các vấn đề của nhân dân tại địa bàn dân cư theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp tổ chức 31 diễn đàn đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải đáp những khó khăn, vướng mắc của phụ nữ và nhân dân tại địa phương. Thường xuyên nắm các vấn đề bức xúc của phụ nữ về khó khăn đột xuất, thiên tai, đói nghèo, khiếu kiện đất đai… đề xuất và tham gia cùng với chính quyền giải quyết, góp phần ổn định tư tưởng cho phụ nữ và xây dựng đồng thuận trong nhân dân.
Ngoài ra, các cấp Hội LHPN chú trọng hoạt động lên tiếng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ[3]. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, vận động nhân dân, phụ nữ tích cực tham gia Phong trào“Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nâng cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch... Vận động hội viên phụ nữ giữ mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam - Lào - Campuchia; xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Koong - Lào. Tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam, văn hóa Quảng Nam, tranh thủ khai thác nguồn lực của các tổ chức quốc tế, kiều bào... hướng về các hoạt động nhân đạo, từ thiện và hỗ trợ phong trào phụ nữ.
Những kết quả đạt được trong 05 năm qua, các cấp Hội LHPN Quảng Nam đã khẳng định vai trò nòng cốt của một tổ chức chính trị - xã hội, vận động xã hội thực hiện công tác phụ nữ và bình đẳng giới; lấy phụ nữ làm trung tâm để tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của phụ nữ và là chỗ dựa vững chắc của hội viên, phụ nữ. Trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN Quảng Nam không ngừng học tập phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, tiên phong hành động, lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo trách nhiệm, hiệu quả của hoạt động Hội, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ; là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân và hội viên phụ nữ, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
[1] Sắp xếp 1244/1730 chi hội, 241/244 xã. Có 100% cán bộ Hội tỉnh, huyện và 88,8% cán bộ Hội chủ chốt cấp xã đạt chuẩn chức danh (tăng 34,7%); Chi hội trưởng đảng viên 39.74%; 91 cán bộ Hội được luân chuyển, điều động; TS hội viên 323.094 người (tăng 15%).
[2] Có 2/7 chính sách được tiếp thu bằng văn bản: Công văn số 5094/UBND-KGVX ngày 11/9/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác QLNN về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 3939/QĐ-UBND ngày 7/11/2017 của UBND tỉnh về việc bổ sung kinh phí thực hiện chính sách theo NĐ39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ.
[3] Tiếp nhận 252 đơn, tư vấn trên 300 trường hợp, tham gia hòa giải trên 1000 vụ; tham gia xét xử 588 vụ; lên tiếng 33 vụ (01 vụ việc tập thể của nữ CN khu công nghiệp Tam Thăng – Tam Kỳ).
|