Chủ trương nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của các cấp Hội LHPN đang trở thành hướng đi đúng đắn. Phụ nữ Quảng Nam đã tận dụng và khai thác những lợi thế đặc trưng từ tài nguyên bản địa để khuyến khích các nữ startup của tỉnh tìm kiếm cơ hội làm giàu, biến tài nguyên bản địa thành những sản phẩm hàng hóa độc đáo, dịch vụ có thương hiệu, giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh, sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng tầm giá trị mới từ sản phẩm địa phương
Lấy phụ nữ nông thôn làm chủ thể, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội tại, biến sức mạnh ấy thành động lực tạo ra giá trị cho các sản phẩm đặc hữu, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Thời gian qua có gần 200 dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ Quảng Nam có mặt trên thị trường chính là thành quả sau 5 năm Hội LHPN tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939). Theo đó, các nữ startup không chỉ được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thông qua việc phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong phụ nữ” nhằm hình thành phong trào phụ nữ khởi nghiệp mà còn tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai thuận lợi, tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường.
Sinh ra và lớn lên trong “cái nôi” truyền thống, gia đình có gần 30 năm làm nghề bánh chưng, chị Huỳnh Thị Thủy (thành phố Tam Kỳ) mạnh dạn thành lập Cơ sở sản xuất bánh chưng xanh bà Ba Hội để lưu giữ những giá trị tinh tuý và cốt lõi của văn hoá dân tộc. Đây là mô hình sản xuất bánh chưng tập trung đầu tiên trên địa bàn và có nhiều ưu điểm vượt trội từ mẫu mã bao bì được chuẩn hóa đến việc khai thác nguồn nguyên liệu đặc sản xứ Quảng (nếp Bầu, tiêu Tiên Phước, lá dong tự nhiên Nam Trà My, nếp bầu Tam Mỹ - huyện Núi Thành, đậu xanh và thịt heo đảm bảo chất lượng) để cho ra một sản phẩm bánh chưng hoàn chỉnh, thơm ngon, mang đậm hương vị xứ Quảng. Một số công đoạn trong quy trình sản xuất được áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bánh được bọc trong túi nilon, hút chân không, có thể bảo quản trong môi trường bình thường 5 ngày, trong ngăn mát tủ lạnh đến 30 ngày. Sản phẩm bánh chưng hiện được khách hàng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Với giá bán dao động khoảng 30.000 - 50.000 đồng/cái, cơ sở cung cấp ra thị trường 4.500 cái/tháng. Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi tháng cơ sở nhu nhập được 20 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Tận dụng nguồn thảo mộc, dược liệu quý mọc tự nhiên với diện tích lớn trên khắp địa bàn huyện Nam Trà My, Cơ sở chế biến trà túi lọc từ dược liệu địa phương của chị Lương Nguyên Hà, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My hiện đã chế biến thành công và đưa ra thị trường 4 sản phẩm chính: Trà Khổ qua rừng, Trà Giảo cổ lam 7 lá, Trà Dây rừng, Trà Rau má rừng với dạng túi lọc. Sản phẩm trà dược liệu túi lọc được sản xuất với quy trình công nghiệp hiện đại, sấy - nghiền - đóng gói - bảo quản khép kín, giữ 100% thành phần hóa học tốt từ dược liệu gốc. Trà để dưới dạng túi lọc rất tiện dụng cho việc sử dụng. Trà túi lọc dược liệu mang thương hiệu Hà Vy hiện đã có mặt tại một số thị trường lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… Sản phẩm được thị trường ưa chuộng với sức tiêu thụ tương đối ổn định, có giá bán 50.000 - 70.000 đồng/hộp tùy loại. Tuy mới ở giai đoạn khởi nghiệp từ cuối năm 2018 nhưng trung bình mỗi tháng, doanh thu từ trà túi lọc đạt 30-40 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động và việc làm thời vụ cho 2 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Hiện sản phẩm đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và được chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phát triển sản phẩm làng nghề gắn với địa điểm tham quan du lịch, HTX nước mắm Hai Hiền của chị Nguyễn Thị Hiền, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình duy trì và phát triển sản phẩm truyền thống Làng nghề nước mắm Cửa Khe trở thành thương hiệu đặc trưng riêng của địa phương và được nhiều người biết đến trên thị trường. HTX tiêu thụ được lượng lớn cá do ngư dân đánh bắt, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân tại địa phương. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 1.700 lít nước mắm với giá bán từ 45.000 - 80.000 đồng/ lít tùy loại. Nước mắm Cửa Khe Hai Hiền được chế biến từ cá cơm, không lẫn với bất kỳ hải sản nào. Vì được muối ngay từ lúc cá còn tươi sống nên giá trị dinh dưỡng trong nước mắm cao, hương vị thơm ngon hơn. Sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nhờ đó, thị trường đầu ra cho nước mắm ngày càng rộng mở. Hiện, ngoài cung cấp cho người dân trong vùng, nước mắm Cửa Khe Hai Hiền cũng đang có nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh, giúp các sản phẩm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Bên cạnh đó chị đầu tư phát triển cơ sở gắn với tham quan du lịch, du khách được trải nghiệm cách lọc nước mắm truyền thống của địa phương để cho ra sản phẩm nước mắm sạch, an toàn. Qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm đến với bạn bè quốc tế nhằm tiến đến phát triển thị trường nước mắm ra nước ngoài.
Tăng cường kết nối phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Thời gian qua, gắn với việc thực hiện Đề án “Phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025” của UBND tỉnh, Hội tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 05 CT-UBND ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều chương trình tập huấn nâng cao năng lực, hoàn thiện kỹ năng trình bày ý tưởng khởi nghiệp, phối hợp cùng với Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh chọn dự án khởi nghiệp của phụ nữ (chủ yếu là các nữ trẻ Startup) tham gia các hoạt động, chương trình khởi nghiệp được tổ chức tại các tỉnh, thành, khu vực và cấp quốc gia. Hội cũng tranh thủ nhiều nguồn lực tổ chức các hoạt động, diễn đàn để phụ nữ tự tin khởi nghiệp: Techfest Quang Nam, Ngày phụ nữ khởi nghiệp, Tiếp lửa để phụ nữ khởi nghiệp thành công, Ươm mầm cho phụ nữ khởi nghiệp...
Từ năm 2018 đến năm 2021, Hội LHPN tỉnh phát động 04 Cuộc thi với 177 ý tưởng/dự án tham gia từ 18/18 huyện, thị xã, thành phố, Hội đồng đánh giá đã chấm chọn được 45 ý tưởng của phụ nữ vào vòng chung khảo. Trong đó có nhiều dự án thuyết phục và gọi được vốn từ nhà đầu tư VN Đà Thành Group: “Hương bột - Phát triển cùng nông dân" của tác giả Lê Thị Hương, thị xã Điện Bàn; “Tái sử dụng bã cà phê làm mỹ phẩm thiên nhiên” của tác giả Nguyễn Thị Mẫn Vy, thành phố Hội An; “Bánh chưng Bà Ba Hội”của tác giả Huỳnh Thị Thu Thủy, thành phố Tam Kỳ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp để có hướng giúp đỡ, kết nối tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Trong 5 năm, số phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp được Hội hỗ trợ là 540 người. Hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại được các cấp Hội thúc đẩy thông qua các mô hình chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó liên kết HTX- doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc nhằm xây dựng uy tín cũng như thương hiệu nông sản thực phẩm đối với người tiêu dùng, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sản xuất/sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với mô hình tăng trưởng kinh tế địa phương và mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Phát hiện, giới thiệu cá nhân, nhóm cá nhân là nữ có dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh được hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đề án “Phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025” của UBND tỉnh và Nghị quyết số 09/2020-HĐND ngày 02/11/2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ các nữ startup có nhu cầu tiếp cận tín dụng từ các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (120) và các nguồn quỹ do Hội quản lý (Quỹ Phát triển kinh tế - xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ).
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Quảng Nam đang dần phát triển mạnh mẽ, chất lượng, trong đó vai trò, hoạt động của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh thể hiện tích cực qua việc triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 là một phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đề án tạo động lực cho các cấp Hội ứng dụng công nghệ, áp dụng khoa học thông tin vào trong hoạt động hỗ trợ, phát triển kinh tế và tác động đến hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đặc thù và bình đẳng giới, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, duy trì và sáng tạo ra những giá trị mới dựa trên thế mạnh của địa phương. Đó cũng là nguồn gốc của khởi nghiệp sáng tạo./.