Trong quý I và đầu quý II/2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 05 cơ sở cấp huyện, 10 xã, gần 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thăm 20 hộ gia đình có dư nợ. Tham gia đoàn kiểm tra có các Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; trưởng các Ban, Văn phòng và chuyên viên Hội LHPN tỉnh.

Đoàn công tác Hội LHPN tỉnh kiểm tra công tác quản lý nguồn vốn uỷ thác tại xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức
Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai và quản lý hoạt động nhận ủy thác tại địa phương; các hoạt động nâng cao chất lượng dư nợ ủy thác, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn; việc phối hợp xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn; sổ sách, chứng từ theo dõi sử dụng phí ủy thác; công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi; đôn đốc trả nợ gốc đến hạn và thu lãi hàng tháng; công tác phối hợp thu hồi nợ quá hạn; bình xét hộ vay và ghi chép các biểu mẫu theo quy định...
Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách; tuyên truyền vận động hộ vay trả nợ gốc và lãi theo quy định; việc bình xét vay vốn tại Tổ được thực hiện công khai, đúng quy trình, có sổ sách ghi chép, hồ sơ đầy đủ. Việc huy động tiết kiệm để bổ sung nguồn vốn cho vay đạt cao, góp phần cùng toàn tỉnh nâng tỷ lệ huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt tỷ lệ 99,2% (đến 31/3/2022). 100% tổ viên vay vốn được kiểm tra đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; công tác kiểm tra hoạt động ủy thác theo đúng kế hoạch...

Thăm hộ gia đình vay vốn làm ăn có hiệu quả tại địa phương
Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số địa phương có nợ quá hạn tăng cả về số tuyệt đối và tương đối; một số nơi tiền gửi tiết kiệm/ dư nợ chưa đạt theo kế hoạch đề ra; việc tham gia tiết kiệm của tổ viên chưa đều; còn trường hợp nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú, riêng Hội phụ nữ là 47 hộ (toàn tỉnh); lãi tồn đọng của một số địa phương phát sinh cao...
Tại các buổi làm việc, đoàn công tác đã chỉ đạo các địa phương được kiểm tra tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tuyên truyền vận động, đôn đốc hộ vay trả nợ quá hạn, thu hồi lãi tồn và tiếp tục vận động hộ vay và người dân tham gia gửi tiền nhàn rỗi vào Ngân hàng Chính sách xã hội; chỉ đạo, đôn đốc các xã tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban, các phiên giao dịch tại xã để nắm bắt tình hình hoạt động của tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN quản lý; nắm chắc số vốn đến hạn để đôn đốc nhắc nhở hộ vay có kế hoạch hoàn trả; củng cố, kiện toàn tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động chưa tốt ở 03 huyện (có 04 tổ xếp loại trung bình).
Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố còn lại dứt điểm trong quý II/2022 theo Kế hoạch số 09/KH-BTV ngày 22/02/2022 của Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Nam về việc kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội và thẩm định các mô hình, điển hình phát triển kinh tế năm 2022.
(Theo báo cáo quý I/2022 của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam, đến 31/3, Hội LHPN tỉnh quản lý 1.376 tổ vay vốn, dư nợ đạt 2.354.763 triệu đồng (chiếm 41,05% dư nợ uỷ thác), tăng 77.114 triệu đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 3,39%, với 53.983 khách hàng còn dư nợ; có 18/18 Hội LHPN cấp huyện có dư nợ tăng trưởng; nhận tiền gửi tiết kiệm qua tổ 131,423 triệu đồng, tăng 9.944 triệu đồng so với đầu năm, tỷ lệ hộ tham gia tiết kiệm đạt 99,2%; Thu lãi đạt 114,0%).