Cô Liễu thường tranh thủ thời gian rảnh để nghiên cứu, mày mò lập trình ứng dụng.
Ảnh: PHAN VINH
Cô giáo Dương Thị Ngọc Liễu (SN 1986) tốt nghiệp ngành cử nhân Tin học Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, hiện là giáo viên giảng dạy môn Tin học tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP.Tam Kỳ). Nói về ý tưởng bản thân viết ứng dụng liên quan đến vấn đề tìm và chia sẻ nhà trọ, cô Liễu tâm sự: “Hồi còn là sinh viên, vấn đề tìm kiếm nhà trọ sao cho phù hợp với nhu cầu và giá cả đối với tôi rất khó khăn. Gần như tất cả sinh viên học xa nhà đều như vậy. Lặn lội đi tìm từng nhà vừa tốn thời gian, vừa bị động nên ngày trước, tôi ước gì có cầu nối để việc tìm kiếm dễ hơn. Vì vậy sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nghiên cứu, mày mò lập trình nên một ứng dụng trên điện thoại thông minh để giúp nhiều người giải quyết vấn đề đó”.
Ngoài lý do trên, cô Liễu còn nhìn nhận được thực trạng vấn đề nhà trọ trên địa bàn Quảng Nam để đi đến quyết định viết ứng dụng. Quảng Nam hiện có nhiều khu công nghiệp, trường đại học; riêng ở TP.Tam Kỳ, lực lượng các bộ, công chức, viên chức trẻ đang làm việc xa nhà lưu trú rất đông. Chính vì vậy, nhu cầu tìm kiếm nhà trọ của những đối tượng này là rất lớn. Mặt khác, nhiều nhà trọ có cơ sở vật chất tốt nhưng lại nằm ở những trục đường xa khu dân cư nên ít người biết đến để thuê trọ, trong khi muốn giới thiệu, quảng bá nhà trọ nhưng không biết bằng hình thức nào. Khi có ứng dụng tìm kiếm, đây là sẽ sợi dây kết nối giữa cung và cầu.
Giao diện chính của ứng dụng tìm và chia sẻ nhà trọ của cô Liễu.
Ảnh: PHAN VINH
Thế rồi, tranh thủ thời gian ngoài tiết dạy, cô Liễu đọc và nghiên cứu thêm nhiều tài liệu liên quan đến việc viết ứng dụng. Đặc biệt, phải là ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh, bởi hiện nay đây là thiết bị phổ thông nhất. Sau một khoảng thời gian, ứng dụng tìm và chia sẻ nhà trọ trên điện thoại thông minh được ra đời. Theo đó, ứng dụng sẽ được đăng tải trên kho ứng dụng của các phần mềm điện thoại thông minh như Android, Windows Phone, iOS... cho phép người dùng có thể tìm kiếm nhà trọ theo nhu cầu về địa chỉ, cơ sở vật chất và giá cả. Đồng thời, chủ trọ có thể đăng tải thông tin, hình ảnh về nhà trọ và số điện thoại của mình lên ứng dụng. Tuy nhiên, mọi thông tin của chủ nhà trọ đưa lên đều phải qua bước kiểm duyệt và xác thực thông tin của bộ phận quản lý ứng dụng.
Sau khi chạy thử nghiệm ứng dụng được một thời gian và không gặp bất cứ trục trặc gì, cô Liễu đang gửi hồ sơ, thông tin về ứng dụng này để tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do UBND tỉnh tổ chức. “Tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp vì tôi muốn được nhiều người biết đến ứng dụng và hơn thế nữa, ứng dụng tiếp cận được các nhà đầu tư công nghệ. Từ đó tôi sẽ có cơ sở để phát triển ứng dụng của mình” - cô Liễu kỳ vọng. Cũng theo cô Liễu, thực tiễn thị trường bất động sản ở Quảng Nam đang sốt, ứng dụng có thể mở rộng ra lĩnh vực nhà đất nếu tìm kiếm được nhà đầu tư. Bởi để chạy ứng dụng và vận hành một cách ổn định thì cũng cần phải có kinh phí và kế hoạch phát triển bền vững.