Quảng Nam có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, với địa bàn rộng, dân cư đông đúc; có đô thị, đồng bằng ven biển, trung du, miền núi, cửa khẩu, biên giới; có tiềm năng về du lịch, về lâm, khoáng sản; có sân bay, cảng biển, khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn đã thu hút một lượng người từ khắp nơi đến tập trung sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến lối sống thực dụng của một bộ phận tầng lớp trẻ, nên thời gian qua tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự có tính chất manh động, gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Với phương châm củng cố môi trường gia đình làm cơ sở bền vững cho hoạt động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và giáo dục con em, trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) - lực lượng Công an các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành, Mặt trận, đoàn thể, trường học tổ chức nhiều buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và TNXH, chú trọng địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội; những đối tượng có nguy cơ cao phạm tội và mắc các tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm, HIV/AIDS... thu hút trên 103.600 lượt người nghe; mở 204 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, xử lý tình huấn cho trên 4.000 lượt BCV, TTV của Hội; phối hợp xây dựng và phát sóng 315 phóng sự, trên 700 tin, bài đăng trên chuyên mục truyền hình “An ninh Quảng Nam”,“Phụ nữ Quảng Nam”; phát hành trên 22.000 bản tin, xây dựng “Tủ sách của Hội” với gần 700 đầu sách và hàng ngàn tài liệu nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong cộng đồng. Thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã phát hiện và tiếp nhận trên 16.000 nguồn tin có giá trị liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội giúp Công an giải quyết xử lý được các vụ việc về an ninh trật tự. Công an các cấp đã gọi răn đe, giáo dục 3.167 đối tượng, mở 212 lớp giáo dục pháp luật cho 1.573 đối tượng hình sự, ma túy. Công tác hỗ trợ, chăm lo đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng và gia đình có người thân đang cai nghiện được quan tâm thực hiện thông qua hỗ trợ vốn, giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm cho 400 trường hợp, góp phần kéo giảm tỷ lệ tái phạm và vi phạm pháp luật. Cán bộ Hội cơ sở phối hợp tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các trường hợp thanh thiếu niên trong diện quản lý, giáo dục tại địa phương có tiến bộ và hòa nhập cộng đồng; hòa giải giúp đỡ 282 gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực; vận động trên 100 em học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp học. Hội LHPN các cấp đã xây dựng, củng cố và duy trì gần 500 mô hình Câu lạc bộ, tổ, nhóm với nhiều tên gọi như: “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Gia đình hạnh phúc”, “Hộ gắn hộ”, “4+…” “Góc học tập tình mẹ”, “Chi, tổ Hội an toàn”, CLB “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… có trên 9.000 thành viên tham gia.
Thông qua các hoạt động, đã thể hiện vai trò trách nhiệm, quyết tâm cao của lực lượng Công an và Hội phụ nữ trong việc phối hợp với nhà trường, gia đình và cộng đồng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT ngày 08 tháng 5 năm 2002 của Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công An về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn hội” giai đoạn 2012-2017 gắn với thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết, Bộ Công An đã tặng Bằng khen cho tập thể Hội LHPN xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên và cá nhân thuộc Công an huyện Núi Thành đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nghị quyết.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01 trong thời gian tới, Công an - Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch liên tịch chỉ đạo lực lượng công an và các cấp Hội trong tỉnh phối hợp (1) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đề cao vai trò của cán bộ, chiến sĩ Công an và các bậc cha mẹ trong nêu gương để thanh thiếu niên học tập và noi theo, góp phần xây dựng môi trường gia đình và xã hội lành mạnh; (2) Chủ động và kịp thời phát hiện, xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc, vấn đề nóng liên quan đến xâm phạm quyền lợi, nhân phẩm phụ nữ, trẻ em; (3) Giám sát, kiến nghị, đề xuất và phản biện xã hội các chính sách về phòng chống tội phạm, TNXH từ góc độ quyền phụ nữ, quyền trẻ em và bình đẳng giới; (4) Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”; (5) Phát hiện, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm, TNXH; (6) Đẩy mạnh phong trào tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trong cộng đồng dân cư và phối hợp cảm hóa, giúp đỡ, giáo dục con em, người thân lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.